Dự án Ethanol Phú Thọ: Lời khai tố ông Thăng trực tiếp chỉ đạo chỉ định thầu

Dự án Ethanol Phú Thọ: Lời khai tố ông Thăng trực tiếp chỉ đạo chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 8/3, phiên tòa xét xử vụ án thiệt hại tại dự án Nhà máy nhiên liệu Ethanol Phú Thọ bắt đầu phần xét hỏi. Nhiều bị cáo khai nhận về việc nhận chỉ đạo từ PVN về việc chỉ định thầu cho PVC và liên danh.

Bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), đại diện vốn của PVOil tại PVB khai nhận, dự án do PVB làm chủ đầu tư. Vốn xây dựng nhà máy gồm vốn góp 30% và vốn vay 70%. Nhà máy dự kiến xây dựng trong 18 tháng. Khi đó, PVB phát hành hồ sơ đấu thầu rộng rãi và thuê CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất CECO nhưng không có nhà thầu nào đạt tiêu chí.

“Trong thời gian này, bị cáo có nhận được văn bản của PVC đề nghị được chỉ định thầu và hạ một số tiêu chí. Bị cáo đã chỉ đạo từ chối”, bị cáo Hà khai.

Vậy vì sao PVB đang đấu thầu rộng rãi, lý do gì lại chuyển sang chỉ định thầu? Bị cáo Hà khai nhận, có nhận được chỉ đạo bằng văn bản của PVN, do ông Vũ Quang Nam, bà Trần Thị Bình, ông Đinh La Thăng ký. Tất cả chỉ đạo của PVN đều công khai bằng văn bản.

“Khi nhận được chỉ đạo, bị cáo vẫn cho đấu thấu rộng rãi nhưng sau đó có chỉ đạo sát sao, nhất là chỉ đạo trực tiếp từ ông Thăng phải chỉ định thầu cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và liên danh PVC/ALFA LAVAL/Delta V. Bị cáo nghĩ rằng, việc chỉ định thầu đã được Tập đoàn quyết định. Cùng lúc đó, bị cáo cũng tiếp cận văn bản của Tập đoàn về việc ưu tiên giao việc cho PVC”, bị cáo Hà khai.

Để thực hiện chỉ đạo của PVN, bị cáo thành lập tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và tổ chuyên gia thẩm định thầu. Bị cáo Hà phủ nhận trách nhiệm của cá nhân, cho rằng việc ký hợp đồng là do sức ép của tập đoàn. Bị cáo cho rằng việc quy kết trách nhiệm dân sự là không chính xác.

“Cáo trạng quy kết dự án bị chậm tiến độ, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng là do lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, nhưng kết quả này là không chính xác. Đến thời điểm này, hợp đồng chưa triển khai vì trên thực tế các nhà thầu triển khai khác hẳn so với hợp đồng ký kết”, bị cáo khai.

Bị cáo Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng kinh doanh PVB) thừa nhận, liên danh hoàn toàn đủ năng lực vì đã thực hiện 1 dự án tương tự rất tốt. Việc thẩm định hồ sơ yêu cầu có thiếu sót nhưng đã có chỉ đạo của PVN.

“Nếu tôi ghi vào hồ sơ tiêu chí không đạt thì có nghĩa là phải nghỉ việc luôn, vì có yêu cầu thẩm định phải đạt yêu cầu”, bị cáo Thái khai.

Trái lại, bị cáo Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB), Khương Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Phòng thương mại PVB) khẳng định, không tham gia lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đấu thầu, không được định hướng chỉ định thầu cho PVC và liên danh.

Bị cáo Tuấn khai nhận, bản thân chỉ tham gia dịch thuật tiếng Anh, tiếng Việt bản dự thảo hợp đồng. Bị cáo không có chuyên môn về xây dựng, đấu thầu.

“Tôi chỉ là nhân viên kinh doanh, không có chức năng, quyền hạn đề nghị lựa chọn nhà thầu, phần công việc không gây ra hậu quả như cáo trạng nêu. Việc lựa chọn cho nhà thầu là trách nhiệm của cấp cao. Tôi không sửa đổi, đưa tiêu chí này, rút tiêu chí kia trong hồ sơ”, bị cáo Tuấn khẳng định.

Tin bài liên quan