Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ được khởi công năm 2009, do CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) là chủ đầu tư, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và liên danh Alfa Laval-Delta V là nhà thầu thi công. Năm 2009, PVB và tổ hợp PVC ký hợp đồng trọn gói EPC trị giá 58 triệu USD.
Nguồn vốn xây dựng dự án gồm vốn tự có 30% và vốn huy động 70%.
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện dự án, PVB đã vay của Ngân hàng Seabank và Công ty tài chính dầu khí nay là Ngân hàng PVCombank tổng số tiền 754 tỷ đồng.
Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã sử dụng 1.467 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Từ ngày bắt đầu triển khai dự án năm 2009 đến ngày khởi tố vụ án năm 2018, PVB đã thanh toán cho nhà thầu PVC là 610 tỷ đồng và Alfa Laval là 236 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định. Theo giám định viên Bộ Tài chính, từ ngày dự án dừng thi công năm 2013 đến 2014, PVB trả lãi vay 125,7 tỷ đồng, số tiền lãi còn phải trả cho ngân hàng từ 2014 đến 2018 ngày khởi tố vụ án là 417,3 tỷ đồng.
Tại tòa, đại diện 2 ngân hàng cho biết, đến nay PVB đã thanh toán một phần nợ gốc và lãi. Hiện còn dư nợ gốc và lãi là hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo kết luận giám định Bộ Xây dựng, việc PVB lựa chọn nhà thầu tổ hợp PVC không đáp ứng được điều kiện năng lực, kinh nghiệm. Việc làm này đã vi phạm quy định trong hoạt động xây dựng.
Cơ quan chức năng xác định, thiệt hại thực tế do hành vi trên gây ra được tính là số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả tiếp đến ngày khởi tố vụ án (năm 2018) là 543 tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi của luật sư, đại diện PVC cho biết, Công ty không có văn bản dừng thi công. Các nhà thầu tự dừng thi công, PVC không kiểm soát được việc đó. PVC và liên danh được chủ đầu tư PVB thanh toán hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị dở dang PVC ghi nhận là 900 tỷ đồng.
Trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc PVB cho biết, dự án bị “đắp chiếu” do thiếu vốn.
Sáng nay (9/3), luật sư Hoàng Văn Hướng đặt loạt câu hỏi với bị cáo Vũ Thanh Hà về cơ cấu cổ đông của PVB, tư cách của ông Hà khi tham gia các cuộc họp tại Tập đoàn Dầu khí (PVN), PVB có phải là công ty con của PVN không?
Bị cáo Vũ Thanh Hà cho biết, về luật pháp, PVB không phải là công ty con của PVN, nhưng “PVB phải thực hiện nghị quyết của PVN”.
“Trách nhiệm đánh giá năng lực nhà thầu thuộc về ai?”, luật sư Hướng hỏi thêm. Bị cáo Hà cho biết: "Về pháp luật trách nhiệm là PVB, nhưng trên thực tế, PVB không thực hiện đước việc đó. Nếu thực hiện được thì tôi không chỉ định thầu".