Dự án đường sắt tốc độ cao đã được chuẩn bị sẵn sàng về tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực cho dự án đường sắt tốc độ cao, công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất.

Chiều ngày 29/10, tại Toạ đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, đây là một dự án trọng điểm quốc gia và nước ta đã có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư.

Về việc chuẩn bị nguồn tài chính, thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.

Đối với ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể, thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ ba, sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.

Đối với bốn phương án huy động nguồn lực, thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.

Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai là thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.

Thứ ba là thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.

Thứ tư là huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

“Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng khẳng định.

Các khách tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” chiều 29/10. (Ảnh: VGP)

Các khách tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” chiều 29/10.

(Ảnh: VGP)

Theo tính toán ban đầu, nguồn lực đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD và hoàn toàn sử dụng vốn đầu tư công. Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin, Bộ đã xây dựng nhu cầu nguồn vốn và phương án đầu tư.

Về nhu cầu nguồn vốn, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, nếu chúng ta dự kiến hoàn thành cơ bản Dự án như Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào năm 2035 thì thời gian giải ngân là khoảng 12 năm. Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta cần 5,6 tỷ USD. Nếu tính tỷ lệ so với GDP (dự kiến khởi công năm 2027), khoảng 1% GDP.

Thứ hai, với quy mô nền kinh tế, với mức nợ công như hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá cả những chỉ tiêu tài chính vĩ mô.

Vấn đề thứ ba, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác, từ đó cho thấy việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.

Đánh giá về sự kỳ vọng của người dân khi dự án được hoàn thành, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các con số dự báo hiện chỉ dựa trên các phân tích về mặt số liệu, nhưng thực tiễn khi đường sắt cao tốc đi vào vận hành, nhu cầu di chuyển của người dân có thể cao hơn.

"Đối với hành khách bình thường, có lẽ người dân đang rất háo hức để được đi phương thức vận tải này. Hiện nay, muốn đi phương tiện này thì phải ra nước ngoài mà nay được đi trên chính quê hương mình thì có lẽ là niềm mong ước của rất nhiều người dân", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Đối với nhóm doanh nhân, người làm công tác kinh doanh cũng sẽ nhìn thấy cơ hội tuyến đường sắt và tận dụng được ý nghĩa của tuyến đường này mang lại. Tất cả những người làm trong mọi lĩnh vực từ sản xuất kinh doanh đến vận tải lưu thông hàng hóa, phát triển hạ tầng đô thị, kinh doanh bất động sản... đều rất mong chờ dự án đường sắt tốc độ cao được hình thành.

Tin bài liên quan