Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Vỡ tiến độ, đội vốn khủng

0:00 / 0:00
0:00
Cả chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chỉ xin rút kinh nghiệm dù để chi phí giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột tăng gấp đôi.
Việc thi công hoàn thành công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột trong năm 2023 là không khả thi.

Việc thi công hoàn thành công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột trong năm 2023 là không khả thi.

Tiến độ “rùa bò”

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa có Tờ trình số 259/TTr-BQLDAGTNN gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề nghị thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương được Bộ GTVT giao Ban Quản lý trên làm chủ đầu tư.

Theo Tờ trình số 259/TTr-BQLDAGTNN, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh một loạt nội dung quan trọng tại Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2020 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Thay đổi quan trọng đầu tiên được đề cập là tổng mức đầu tư của Dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư được đề nghị điều chỉnh là 1.841 tỷ đồng (tăng 332 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt), trong đó chi phí xây dựng 893,386 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 9,291 tỷ đồng; chi phí tư vấn 51,541 tỷ đồng; chi phí khác 21,452 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 729,3 tỷ đồng; chi phí dự phòng 139,1 tỷ đồng.

Chủ đầu tư cũng kiến nghị thay đổi nguồn vốn thực hiện Dự án. Thay vì chỉ sử dụng ngân sách trung ương, Dự án để mở khả năng sử dụng ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, trong đó ngân sách trung ương là 1.509,095 tỷ đồng và bổ sung 332 tỷ đồng từ ngân sách trung ương của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025 hoặc ngân sách địa phương.

Thay đổi quan trọng thứ ba là thời gian thực hiện công trình. Thay vì khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2023, Dự án sẽ phải nới tiến độ thêm 12 tháng, dự kiến hoàn thành công tác thi công vào cuối năm 2024

Mặc dù có quy mô vốn không lớn, không quá phức tạp về kỹ thuật (công trình giao thông cấp II, có vị trí phải xử lý nền đất yếu rất ít), nhưng Dự án đang là nỗi lo lớn đối với Bộ GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk.

Tính đến cuối tháng 8/2023, tức tròn 2 năm kể từ khi gói thầu xây lắp đầu tiên được ký hợp đồng và triển khai thi công trên thực địa, giá trị sản lượng của Dự án mới đạt 349/978 tỷ đồng, đạt 36,3%; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, mới bàn giao được 27 km/39,6 km, đạt 68,21%.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, với phần khối lượng còn lại, thì việc thi công hoàn thành công trình trong năm 2023 là không khả thi.

Được biết, trong suốt thời gian triển khai Dự án, đặc biệt là trong năm 2022, Bộ GTVT liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa và phát văn bản thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình vào tháng 12/2023.

Cuối tháng 12/2022, do quá sốt ruột với tiến độ “rùa bò” của Dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét có chế tài đặc biệt trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu Dự án vẫn tiếp tục chậm trễ, không thể hoàn thành đúng thời hạn đã đề ra.

Bộ GTVT cũng đề xuất địa phương xem xét việc không giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đối với các dự án tiếp theo.

Chỉ xin rút kinh nghiệm

Ngày 29/8/2023 - hai ngày trước khi ban hành Tờ trình số 259/TTr-BQLDAGTNN, thực hiện yêu cầu của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản giải trình lý do để Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đội vốn, trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công trình.

Trong Công văn số 1268/BQLDAGTNN-KTTĐ do ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk ký, đơn vị chủ đầu tư cho biết, theo hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thì tổng diện tích đất chiếm dụng giải phóng mặt bằng là 118 ha; theo kết quả kiểm đếm thực tế khoảng 117 ha.

Do đó, về mặt khối lượng thì không tăng, nhưng cơ cấu chi tiết của từng khối lượng có tăng, có giảm, trong đó đáng kể nhất là khối lượng đất nông nghiệp gắn liền với đất ở của người dân tăng; khối lượng loại cây trồng trong phạm vi của Dự án tăng do một số cây trồng xen canh có giá trị cao như cây sầu riêng, cây mắc ca; tuổi cây trồng tăng tại thời điểm thông báo thu hồi đất so với thời điểm phê duyệt dự án (hơn 1 năm)…

Bên cạnh đó, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được đơn vị Liên danh tư vấn lập, đơn vị tư vấn thẩm tra hồ sơ và chủ đầu tư tổng hợp, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trong năm 2020.

Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án đã được đơn vị liên danh tư vấn xác định trên cơ sở áp dụng các quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về đơn giá bồi thường đất trong năm 2020 là đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 114, Luật Đất đai 2013, thì giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Mặt khác, thời điểm định giá đất trong giai đoạn đất có sự tăng trưởng cao đột biến trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, dẫn đến đơn giá đất bồi thường theo thực tế tăng cao so với đơn giá đất tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được duyệt. “Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột”, đại diện chủ đầu tư đánh giá.

Trong Công văn số 1268/BQLDAGTNN-KTTĐ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, Dự án đã được đơn vị tư vấn là Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế đường bộ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi được đơn vị tư vấn thẩm tra là Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT thẩm tra. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý tổng hợp, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đơn vị này thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án theo thực tế thì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của Dự án. Đơn vị này đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Cụ thể, Liên danh tư vấn chưa thể lường hết được những biến động quá lớn về các nội dung như đã nêu trên của Dự án từ thời điểm lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đến thời điểm thu hồi đất (hơn 1 năm). Do vậy, đơn vị Liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi xin được nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc cho các dự án tiếp theo.

Đối với chủ đầu tư, do trong quá trình triển khai Dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thì công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ chưa được chặt chẽ, dẫn đến công tác quản lý còn bị động và chưa lường hết các biến động về đơn giá, dẫn đến làm tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, vượt tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Do vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk xin được nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý dự án cho các dự án tiếp theo.

Cần phải nói thêm, đây không phải sai sót duy nhất liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Tại Thông báo số 266/TB-KTNN được ban hành giữa tháng 6/2022, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phương án hướng tuyến được phê duyệt xác định trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Dự án còn tồn tại, hạn chế khi vị trí đầu tuyến tại Km1758+946 (Quốc lộ 14) không đi trùng hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt (lệch gần 1 km).

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến đã đi qua khu dân cư hiện hữu (do tận dụng, mở rộng đường nối Quốc lộ 14 - Quốc lộ 26 khoảng 2,1 km đầu tuyến) có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư phân kỳ giai đoạn I cho Dự án đường Hồ Chí Minh khi thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh (4 - 6 làn xe cao tốc).

Theo tính toán sơ bộ, chi phí để đầu tư đường nối 2,1 km do điều chỉnh vị trí điểm đầu Dự án không trùng vị trí theo quy hoạch là 67,5 tỷ đồng, đến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh sẽ phải đầu tư 2,642 km còn lại theo đúng quy hoạch. Khi đó, đoạn đường nối 2,1 km sẽ trả lại cho địa phương quản lý.

Việc phải bỏ hàng chục tỷ đồng để điều chỉnh vị trí điểm đầu là chuyện 5 - 10 năm tới, nhưng ngay tại thời điểm này, các đơn vị liên quan đã phải trả giá khá đắt khi đưa hướng tuyến Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột “lao thẳng” vào khu dân cư đông đúc.

Mặc dù có quy mô diện tích giải phóng mặt bằng không lớn (khoảng 118 ha), nhưng số hộ dân bị ảnh hưởng tại Dự án lên tới 1.388 hộ - con số khá nhiều so với một dự án hạ tầng giao thông quy mô trung bình được triển khai tại Tây Nguyên.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế trong thiết kế, thẩm định và quản lý tiến độ công trình”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Tin bài liên quan