Hình ảnh đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thời điểm sau khi thi công, bị hư hỏng nặng nề.
Khó khăn về nguồn vốn do "đứt" tài trợ?
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức cuộc họp xử lý các tồn tại, vướng mắc tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam).
Tại cuộc họp này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2017 (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) và tháng 9/2018 (đoạn Tam Kỳ - Núi Thành), đến nay vẫn còn một số đoạn đường gom dân sinh, đường vuốt nối, đường địa phương sử dụng làm đường công vụ chưa được xây dựng, sửa chữa, hoàn trả.
Việc xây dựng kè gia cố chống xói lở hạ lưu một số cầu, cống trên tuyến chưa hoàn thành, ảnh hưởng bồi lấp, ngập úng đất canh tác của nhân dân. Một số phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp ngoài vạch bị ảnh hưởng của dự án đã được phê duyệt chưa có nguồn vốn để tiếp tục chi trả…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ,hiện nay, các Hiệp định vay vốn ký kết với các nhà tài trợ dự án đã kết thúc, việc thu xếp nguồn vốn để tiếp tục bố trí, khắc phục một số tồn tại của dự án là hết sức khó khăn.
Được biết, theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổng hợp hồ sơ, kiểm toán, thực hiện quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thực hiện của dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và gửi VEC tổng hợp quyết toán chung dự án.
Về việc này, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó lưu ý nguồn kinh phí ứng trước từ nguồn vốn của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để xây dựng các khu dân cư, tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án phải được bố trí hoàn trả từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư theo phương án được duyệt...
Hướng giải quyết là... "tùy cơ ứng biến"
Để chủ động xử lý, khắc phục một số trường hợp còn tồn tại, vướng mắc và sớm hoàn thành công tác quyết toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện của dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án kiểm tra, rà soát lại các hạng mục đường gom dân sinh, sửa chữa đường địa phương, kè gia cố hạ lưu một số cầu, cống trên tuyến; bồi thường đất sản xuất ngoài vạch giải phóng mặt bằng của dự án đến nay chưa thực hiện hoàn thành.
“Trường hợp đã phê duyệt phương án và đang chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng dở dang, xét thấy thật sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện thì tính toán cụ thể, lập dự trù kinh phí để chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương thực hiện hoặc báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án xem xét, giải quyết”, ông Nguyễn Hồng Quang kết luận.
Đối với các hạng mục đến nay chưa phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đã phê duyệt phương án nhưng chưa chi trả, hoặc đang chi trả dở dang nhưng chưa thật sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị lập thủ tục hủy bỏ quyết định thu hồi đất và chấm dứt thực hiện đối với các trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục quyết toán phần chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thực hiện theo đúng quy định (trường hợp đã chi trả tiền bồi thường nhưng diện tích ngoài vạch giải phóng mặt bằng thì địa phương lập hồ sơ quản lý, sử dụng đất theo quy định).
Ông Quang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án kiểm tra, rà soát lại các trường hợp đất sản xuất nông nghiệp nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng bị bồi lấp, ngập úng do ảnh hưởng của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trước đây đã có ý kiến thống nhất giải quyết bồi thường, hỗ trợ của VEC và đã lập thủ tục thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, đang chi trả dở dang hoặc chưa chi trả.
“Trường hợp xét thấy thật sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện và hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng đồng thuận thì tổng hợp, có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư dự án cho phép sử dụng nguồn vốn giải phóng mặt bằng còn thừa (từ nguồn hoàn trả kinh phí ứng trước xây dựng các khu dân cư, khu tái định cư) để tiếp tục thực hiện chi trả”, ông Nguyễn Hồng Quang đề nghị.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án rà soát các trường hợp trước đây đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa chi trả, nay chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh hồ sơ thiết kế nên không còn nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án để lập thủ tục hủy bỏ quyết định thu hồi đất và thông báo cho hộ gia đình biết để ổn định sinh hoạt, sản xuất.
Sắp xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Ngày 2/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào ngày 23/11 tới đây.
Trong số 36 bị cáo có Nguyễn Mạnh Hùng (46 tuổi) và Lê Quang Hào (45 tuổi), cùng là Phó tổng Giám đốc VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hoàng Việt Hưng (47 tuổi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)... Trong vụ án này, VEC được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Tòa cũng triệu tập gần 50 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bao gồm nhà thầu thi công, các ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền giữ lại...
Phiên tòa dự kiến có đến 61 luật sư đăng ký bào chữa cho 36 bị cáo, 2 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn triệu tập đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu Nhà nước, những người giám định, người phiên dịch, người làm chứng và một số cá nhân khác có liên quan tại VEC.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Giai đoạn 1 của dự án dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu chủ yếu thi công cầu.
Dự án khởi công ngày 19/5/2013 - 1/8/2017 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I - 65 km từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, ngày 2/9/2018 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn II - 74,2 km từ thành phố Tam Kỳ - thành phố Quảng Ngãi.
Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65 km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, như chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu...
Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Cáo trạng kết luận, VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.
Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.