Những câu chuyện "bình mới, rượu cũ"
Trong số những dự án đổi tên, đầu tiên phải kể đến dự án nhà ở xã hội Bright City do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tuy không có quy mô tầm cỡ, nhưng dự án này cũng một thời "làm mưa làm gió" trên thị trường.
Tiền thân của Bright City ban đầu là dự án nhà ở thương mại AZ Thăng Long do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, thành viên của Tập đoàn bất động sản AZ Land làm chủ đầu tư. Mặc dù chưa đủ điều kiện để bán, nhưng từ năm 2011, chủ đầu tư đã tiến hành ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ với hàng trăm khách hàng.
Tuy nhiên sau đó, dự án đã không thể triển khai và bị hàng trăm khách hàng khởi kiện, yêu cầu thanh lý hợp đồng và hoàn trả tiền. Dù bị nhiều khiếu kiện dai dẳng của khách hàng, nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện yêu cầu do vốn góp của khách hàng đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm móng…
Đang trong thời gian chờ Tòa án giải quyết đơn đề nghị phá sản đối với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, thì đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, dự án bất ngờ được Sở Xây dựng Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại hình nhà ở xã hội và lấy tên gọi mới là Bright City (bỏ tiền tố AZ khỏi tên dự án).
Những tưởng dự án sau khi đổi tên, chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ có sức sống trở lại, nhưng do chậm trễ trong việc thi công, khiến cho dự án này không kịp hoàn thiện trước khi gói hỗ trợ tài chính 30.000 tỷ đồng khép lại. Cuối năm 2017, hàng trăm người mua nhà tại Bright City lại tiếp tục đâm đơn khiếu kiện, tụ tập trước cổng công trường dự án nhằm cầu cứu các cơ quan chức năng, bởi dự án tiếp tục bê trễ.
Cách đó không xa, một dự án khác cũng rơi vào cảnh mãi không về đích dù đã "thay tên đổi họ" là dự án Tokyo Tower, hay còn được biết đến với tên cũ là Hanoi Landmark 51 trên đường Vạn Phúc, quận Hà Đông.
Được quảng cáo hoành tráng là dự án đẳng cấp thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, nhưng ngay từ khi ra mắt thị trường, dự án đã bị "tố" nhiều khuất tất từ liên doanh chủ đầu tư Vinafor, Sông Đà 1.01, đến việc tù mù khi Sông Đà 1.01 "tay không bắt giặc" đang nợ đầm đìa nhưng vẫn có thể tham gia vào dự án và thế chấp chính dự án khi chưa thành hình để lấy tiền triển khai.
Không những vậy, vào cuối năm 2015, dự án còn bị khách hàng "tố" nhập nhằng trong các điều khoản mua bán trong hợp đồng do đơn vị phân phối là sàn Hoàng Vương đưa ra. Cụ thể, các điều khoản: "bên Bán được quyền cho phép chủ đầu tư thay đổi trang thiết bị, vật liệu xây dựng công trình nhà chung cư có giá trị tương đương"; "được quyền cho phép chủ đầu tư thực hiện các quyền và trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư trong thời gian chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư…; hay "cho phép chủ đầu tư ngừng hoặc yêu cầu nhà cung cấp ngừng cung cấp điện, nước và các các dịch vụ tiện ích khác nếu bên Mua không đóng góp đầy đủ, đúng hạn chi phí...".
Dự án Tokyo Tower một thời có tên gọi Hanoi Landmark 51. Ảnh: Đức Thành
Sau những dấu hỏi còn chưa được giải đáp, thì mới đây, dự án này lại tái xuất hiện với tên gọi mới là Tokyo Tower và tiếp tục rơi vào vòng kiện tụng mới với nhiều khách hàng trong quá trình hoàn thiện và bàn giao.
Cụ thể, trong đơn phản ánh mới nhất của cư dân gửi đến Báo Đầu tư Bất động sản, bà Lê Thị Hòa, chủ căn hộ 4304A cho biết, với 5 tầng thương mại, trước đó được quảng cáo là lắp kính, nhưng hiện chủ đầu tư thay bằng trụ gạch, xen kẽ kính, các trụ gạch chỉ được lăn sơn, không ốp đá nên kém thẩm mỹ. Đồng thời, theo khách hàng, phía bên trong các căn hộ, chủ đầu tư tự ý bỏ vách ngăn giữa bếp - phòng khách - phòng ngủ - cửa khu bếp, lô gia.
Theo các cư dân này, việc thay đổi thiết kế như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc bố trí bên trong căn hộ. Các thiết kế, đồ đạc gắn với vách ngăn, nên việc chủ đầu tư bỏ vách ngăn dẫn đến những thay đổi không nhỏ của việc bài trí căn hộ. Một chuyện lạ nữa, theo phản ánh của cư dân, là dù chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, phá vỡ cam kết với khách hàng, nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu các khách hàng nếu muốn giữ nguyên thiết kế cũ (có vách ngăn) thì phải làm đơn "xin” lên chủ đầu tư.
Đổi tên cần đổi mới cách làm
Từ năm 2014, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp chọn cách đổi tên dự án với mong muốn tạo nên diện mạo mới khi tái ra mắt thị trường. Việc đổi vận nhờ đổi tên phải nhắc đến Dự án Castle Plaza. Trước năm 2014, dự án này được mọi người biết đến với những tai tiếng về chậm tiến độ và nợ tiền sử dụng đất, nhưng sau khi được TNR Hodings Việt Nam tham gia quản lý, phát triển và đổi tên thành Goldmark City, chỉ khoảng 2 năm tái khởi động, siêu dự án với 5.000 căn hộ này đã hoàn thiện và đi vào bàn giao cho khách hàng.
Cũng tại Hà Nội, tòa CT3 cao 45 tầng, thuộc Tổ hợp căn hộ The Pride từng được quảng cáo là dự án tòa tháp cao nhất quận Hà Đông. Tuy nhiên, đến năm 2013, thời điểm dự án cam kết hoàn thành, tòa CT3 mới chỉ xây xong phần đế công trình và bị “đắp chiếu” trong thời gian dài. Đến khi tái khởi động trở lại, tòa CT3 được đổi sang HP Landmark Tower.
Với tiến độ thi công nhanh, những tai tiếng trước đó của tòa CT3 mờ dần. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Dự án HP Landmark Tower đã hoàn thiện và bàn giao căn hộ cho khách mua nhà. Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án khác thành công sau khi đổi tên và thay đổi cách làm như Dự án Thăng Long Victory (đổi tên từ Dự án City Garden Nam An Khánh), Dự án Gemek Tower Khu đô thị Lê Trọng Tấn (đổi tên từ Dự án Mekong Tower), BIDHomes The Garden Hill (đổi tên từ dự án 99 Trần Bình), FLC Garden City Đại Mỗ…
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đối với những dự án từng gắn với nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ..., việc đổi tên là nên làm, để khách hàng đỡ có ấn tượng xấu. Tuy nhiên, đó phải là tiền đề cho sự thay đổi toàn diện của dự án, từ nguồn lực tài chính của chủ đầu tư đến phương án bán hàng, thậm chí cả thiết kế nội ngoại thất dự án…
“Những dự án đổi tên nhưng chưa thể đổi vận có nguyên nhân chính đến từ tư duy tiếp cận thị trường và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư chưa thay đổi”, vị này cho hay.
Câu chuyện AZ Bright City hay Tokyo Tower cũng tương tự như nhiều câu chuyện tái khởi động dự án tại Hà Nội và TP.HCM trước đây. Thực chất, AZ Bright City đổi tên, đổi mô hình chỉ để đón dòng vốn mới từ gói 30.000 tỷ đồng, chứ cơ sở tài chính trong tay chủ đầu tư không có gì thay đổi.
Tại phía Nam cũng có dự án căn hộ cao cấp Babylon Residence 1 do Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2009, dự kiến sẽ được hoàn thành đầu quý I/2012. Sau khi xong phần tầng hầm, chuyển sang triển khai vách tầng hầm và sàn 1 thì dự án “dậm chân tại chỗ”. Năm 2013, dự án bắt đầu rục rịch trở lại với cái tên Dự án căn hộ Central Light.
Không thu hút được khách hàng với tên mới, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với một đối tác khác và chuyển sang một tên gọi mới “lạ hoắc” đó là dự án Cheery 4 Apartment. Sau khi xây xong tầng 1, dự án lại trở về án binh bất động dù đã hứa sẽ giao nhà cho khách hàng vào năm 2014.
Theo ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc Đô thị Nam Thăng Long, chủ đầu tư dự án Startup Tower, đổi tên nhưng không đổi cách làm thì sớm hay muộn bệnh cũ của dự án cũng sẽ tái phát.
“Giống như người ta thường nói, chiếc áo không làm nên thầy tu. Một dự án với tên gọi mới, nếu như không cho khách hàng thấy cách làm mới, ít nhất là công tác xây dựng không được được gấp rút triển khai, sẽ không ai dám đặt niềm tin vào đó nữa”, ông Hải nói và cho biết thêm, bản thân Dự án Startup Tower trước đây cũng từng gặp khó khăn, nhưng sau khi thay đổi chủ đầu tư mới với cách làm mới đã có sự thay đổi và trở thành một trong những dự án thu hút sự quan tâm của người mua nhà tại khu vực Hà Đông, Hà Nội.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com