Dự án điện: Kiếm vốn và tiêu tiền đều khó

0:00 / 0:00
0:00
Gần 2 năm trôi qua, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số luật đối với phần việc về xã hội hóa đường dây truyền tải. Trong thời gian này, cũng không có nhà đầu tư tư nhân nào đăng ký làm đường dây truyền tải.
Một dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 7 năm để triển khai. Ảnh: Đức Thanh

Một dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 7 năm để triển khai. Ảnh: Đức Thanh

Tìm vốn không dễ

Ngày 18/1/2024, Dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo đã nhận được sự đồng ý của Quốc hội trong việc rót hơn 2.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện, khi Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua với đa số phiếu tán thành.

Với tổng mức đầu tư trên 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 2.423 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương phân bổ trên 2.526 tỷ đồng, Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km, cùng các hạng mục khác.

Như vậy, kể từ khi được đề cập chính thức lần đầu hồi giữa năm 2020, trải qua nhiều tranh luận với ý kiến trái chiều cả trên diễn đàn Quốc hội và bên ngoài, Dự án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo đã lọt vào danh sách được cấp tiền để đầu tư và sẽ hoàn tất vào đầu năm 2026. Như vậy, cần hơn 5 năm để một dự án có quy mô hơn 5.000 tỷ đồng từ mong muốn trở thành hiện thực, dù cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy Dự án cần thiết không chỉ ở mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa về xã hội và quốc phòng.

Ở tầm lớn hơn, Quy hoạch Điện VIII được ban hành tháng 5/2023 ước tính, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó nhu cầu cho truyền tải trung bình khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Với giai đoạn 2031 - 2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải là 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó nhu cầu cho truyền tải khoảng 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm.

Với các phác họa trên, hàng năm, đầu tư cho truyền tải điện sẽ cần khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ so với thực tế huy động vốn cho truyền tải bấy lâu. Đơn cử, đơn vị đầu tư chính và chủ lực của hệ thống truyền tải cả nước, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) năm 2022 đã hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 16.868 tỷ đồng, còn năm 2023 là 15.997 tỷ đồng.

Bởi vậy, để có thể thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII, các nguồn vốn xã hội hóa rất được chờ trông. Tuy nhiên, Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, với điểm nhấn chính là xã hội hóa đầu tư vào truyền tải, nhưng sau gần 2 năm, vẫn chưa có nghị định, hay hướng dẫn thực thi nào được ban hành. Ngoài ra, cũng chưa thấy tư nhân nào đăng ký làm truyền tải như thời cơn sốt điện mặt trời trước đó.

Sách Trắng 2024 của Eurocham vừa công bố đánh giá, nhu cầu đầu tư vào truyền tải điện trong giai đoạn 2021-2030 sẽ tăng gần gấp ba lần, đòi hỏi những cách tiếp cận mới và hấp dẫn để khuyến khích vốn đầu tư vào phân khúc truyền tải điện của Việt Nam.

Ngay cả Quy hoạch Điện VIII đã được ban hành, nhưng sau 8 tháng, Kế hoạch thực hiện vẫn chưa được thông qua, khiến các bước tiếp theo cũng chưa thể đi nhanh được. Trong Sách Trắng 2024, Eurocham đánh giá, việc chưa có kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII khiến quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng chưa rõ ràng.

Tiêu tiền cũng không dễ

Báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ hồi tháng 12/2024 liên quan đến các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí LNG có tính toán, cần 7 - 10 năm mới có thể làm xong dự án điện khí LNG. Cụ thể, thời gian để hoàn thành lập, phê duyệt hồ sơ báo cáo khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết cho dự án điện khí LNG mất 2-3 năm. Sẽ mất từ 2-4 năm cho đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) và thu xếp vốn vay, tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư.

Thời gian xây dựng, đưa vào vận hành một nhà máy công suất khoảng 1.500 MW là 3,5 năm. Thực tế, dù đã được chọn là nhà đầu tư phát triển dự án điện, nhưng nếu chủ đầu tư không ký được PPA với EVN, thì nguồn vay vốn để thực hiện dự án điện dù được đàm phán xong, vẫn không thể chính thức đổ vào và giải ngân được.

Hiện không có quy định rõ ràng về cách lựa chọn nhà đầu tư cho các Dự án năng lượng trong tương lai, đặc biệt là với các công nghệ năng lượng tái tạo mới nếu các cơ chế thí điểm được thực hiện và các tiêu chí cho những cơ chế này, hoặc khả năng lựa chọn qua hình thức đấu thầu”, Eurocham nhận xét.

Câu chuyện này có thể nhìn thấy rõ nhất tại Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4. Ở thời điểm đầu tháng 12/2023, Dự án đã thi công được hơn 72% so với hợp đồng đã ký kết, với kế hoạch phát điện thương mại Nhơn Trạch 3 vào giữa tháng 11/2024 và Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, PPA vẫn chưa được ký chính thức, cam kết sản lượng mua điện vẫn chưa đi tới hồi kết. Điều này khiến việc vay vốn nước ngoài chưa thể giải ngân được.

Như vậy, các dự án điện khí LNG nhập khẩu khác dù đã lựa chọn được nhà đầu tư, nhưng cũng rất mờ mịt thời gian về đích. Ngay các chuỗi dự án điện từ khí khai thác trong nước như Lô B, Cá Voi Xanh tuy nhìn thấy rõ khi triển khai sẽ đem lại hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, nhưng cũng không thể đi nhanh trong 10 năm qua. Dù Bộ Công thương có kiến nghị, giao các bộ liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho EVN, PVN trong triển khai đồng bộ chuỗi dự án khí điện, không tạo sức ép lên giá điện và gánh nặng cho EVN, nhưng bao giờ làm được thì chưa biết.

Ở các dự án điện gió ngoài khơi, tình cảnh còn khó khăn hơn khi các quy trình pháp lý và khả năng thực hiện các dự án này vẫn chưa rõ ràng. Đó là chưa kể một dự án điện gió ngoài khơi cũng cần phải cỡ 7 năm để triển khai.

Tại các dự án truyền tải, thời gian thi công cũng rất lâu. Theo thống kê của EVN, mất 3-5 năm để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV hoặc 500 kV, bởi giải phóng mặt bằng không thể đẩy nhanh do các vấn đề đền bù đất phải thực hiện theo các quy định.

Theo kế hoạch được EVN công bố, năm 2024, Tập đoàn sẽ tiêu khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy đây là con số lớn và cao hơn mức 91.000 tỷ đồng năm 2023, nhưng việc tiêu tiền nhanh cũng đang có những thách thức nhất định. Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, nhưng hiện Nghị định hướng dẫn chưa có.

“Theo Luật cũ thì cần 2 túi hồ sơ, còn Luật mới thì chỉ áp dụng 1 túi hồ sơ, nên giờ anh em chưa biết áp dụng ra sao. Kế hoạch đầu tư hàng năm của doanh nghiệp cực kỳ lớn. Tính cả gói thầu lớn bé, thì Tổng công ty Điện lực miền Bắc như chúng tôi cũng có cả ngàn gói thầu, mà nếu vướng như này thì rất ảnh hưởng đến tiến độ”, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ.

Tin bài liên quan