Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu: Những đề nghị chưa có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
Các cơ quan chức năng chỉ ra những đề nghị chưa có tiền lệ ở Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới quá trình triển khai, nếu không có cơ chế đặc biệt.
Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu.

Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu.

Chưa có tiền lệ, không có cơ sở

Cho rằng, nhiều ưu đãi mà chủ đầu tư đề nghị tại Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu là “chưa có tiền lệ đối với hình thức nhà máy điện độc lập”, Bộ Công thương lưu ý, “nếu các ưu đãi này được xem xét chấp thuận, thì cần tính tới việc các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng sẽ có yêu cầu tương tự”.

Điều này là để tránh trường hợp, “nếu không đáp ứng các điều khoản tương tự trong các dự án khác (sau khi đã đồng ý với Dự án LNG Bạc Liêu), thì có thể dẫn đến bị kiện theo điều khoản về đối xử quốc gia được quy định trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký”, Bộ Công thương nhận xét.

Liên quan đề nghị Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán thay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong trường hợp EVN không thực hiện cam kết thanh toán theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại trực tiếp cũng như thiệt hại phát sinh khi chấm dứt Hợp đồng mua bán điện (PPA) do EVN không có khả năng thanh toán trong Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu mới đây, Bộ Tài chính cho rằng, nội dung đề xuất thanh toán chấm dứt của PPA là chưa có tiền lệ và không có cơ sở thực hiện.

Cũng theo bộ này, Chính phủ không trực tiếp thực hiện bảo lãnh đối với việc thanh toán nghĩa vụ của bên mua điện, vì đây là các hợp đồng thương mại giữa EVN và doanh nghiệp.

Việc “Chính phủ sẽ thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (EVN) và thực hiện bảo lãnh theo quy định”, theo Bộ Tài chính, là để nhà đầu tư có thêm thông tin về vai trò của chủ sở hữu Nhà nước trong việc hỗ trợ về mặt nguồn lực tài chính và khả năng hoạt động liên tục của EVN khi tham gia ký kết hợp đồng.

Không chỉ Bộ Tài chính chỉ ra đề nghị chưa có tiền lệ, mà Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một số vấn đề.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, đề nghị bảo đảm việc chuyển đổi một phần ngoại tệ của dự án trên cơ sở khả năng cân đối ngoại tệ tương đương mức cam kết hiện hành của Nhà nước cho các dự án BOT điện (30% doanh thu dự án) là không có cơ sở pháp lý.

Theo lập luận của Ngân hàng Nhà nước, trước năm 2020, do chưa có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), nên các dự án BOT điện quan trọng được Chính phủ xem xét tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ theo Văn bản 1604/TTg-KTN (ngày 12/9/2011). Theo đó, Chính phủ xem xét, bảo lãnh cho chuyển đổi thành USD đối với 30% doanh thu của dự án bằng VND sau khi trừ số chi tiêu bằng VND.

Chính phủ không trực tiếp thực hiện bảo lãnh đối với việc thanh toán nghĩa vụ của bên mua điện, vì đây là các hợp đồng thương mại giữa EVN và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến năm 2020, sau khi Luật PPP được ban hành, tại Thông báo số 401/TB-VPCP (ngày 18/1/2/2020), Phó thủ tướng Chính phủ đã kết luận, việc sửa đổi các quy định tại Văn bản 1604/TTg-KTN với các nội dung chủ yếu trong hợp đồng BOT và bảo lãnh chính phủ (GGU) của các nhà máy điện theo hình thức BOT phải tuân thủ quy định của Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan, cũng như không đề xuất các quy định không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kiến nghị “bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ tương đương cam kết cho các dự án điện BOT (30% doanh thu) là không phù hợp với luật pháp hiện hành.

Không nên hỗ trợ cân đối ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, không nên hỗ trợ cân đối ngoại tệ với Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu bởi nhiều lý do.

Cụ thể, liên quan dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành chỉ quy định mở tài khoản tại một tổ chức tín dụng và quy định giao dịch góp vốn và chuyển lợi nhuận về nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản này cũng như không có quy định về bảo đảm nhà nước.

Đồng thời, Pháp lệnh Ngoại hối cũng quy định quyền mua ngoại tệ của nhà đầu tư tại các tổ chức tín dụng. Khi thị trường không đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thông qua hoạt động mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng.

Thực tế những năm qua, hệ thống các ngân hàng thương mại luôn đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của các dự án đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước cũng không nhận được bất cứ phản ánh nào về khó khăn khi chuyển đổi ngoại tệ của chủ đầu tư tại các ngân hàng thương mại.

Hiện dự trữ ngoại hối phải đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ quốc gia, ổn định tỷ giá hay những nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước, đồng thời cũng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ của Chính phủ trong các dự án lớn ở các ngành dầu khí, BOT với mức cả chục tỷ USD mỗi năm.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước lo ngại rằng, nếu tiếp tục hỗ trợ cân đối ngoại tệ cho Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu sẽ gây áp lực lớn đến dự trữ ngoại hối và tạo bất bình đẳng trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo tiền lệ xấu để các nhà đầu tư gây sức ép lên Chính phủ về cân đối ngoại tệ ở các dự án đầu tư khác.

Tin bài liên quan