Dự án điện gió không dễ gọi vốn vì giá bán thấp

Các dự án điện gió đang rất khó triển khai do giá bán điện gió thấp. Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc điều hành CTCP Phong điện Thuận Bình, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (HHĐGBT) cho biết, sau 5 năm chuẩn bị, dự án điện gió đầu tiên của Công ty mới bắt đầu khởi động. Công ty đã vay được vốn của Chính phủ Đức, đã ký hợp đồng tư vấn quốc tế và đang đấu thầu để chọn tổng thầu EPC.
Dự án điện gió không dễ gọi vốn vì giá bán thấp

“Dự kiến, vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ khởi công dự án đầu tiên này (công suất 24 MW). Theo kế hoạch, nếu cuối năm nay, chúng tôi đấu thầu xong, ký được hợp đồng tổng thầu EPC, thì vào giữa năm 2015, tổ máy đầu tiên có thể sẽ hòa lưới điện quốc gia. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ dự án này, chúng tôi mới tính đến việc triển khai các dự án tiếp theo”, ông Thịnh cho biết.

Được biết, đây là một trong số rất ít dự án trong lĩnh vực điện gió có cơ hội thuận lợi để triển khai.

Là doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, nên 5 năm trước, CTCP Đầu tư HD (có trụ sở tại Hà Nội) đã tìm hiểu và “lấn sân” sang lĩnh vực điện gió. Hiện tại, Công ty có 1 dự án điện gió ở tỉnh Ninh Thuận, với công suất 97 MW (đã được cấp giấy phép đầu tư) và 1 dự án đang chờ cấp giấy phép đầu tư ở tỉnh Bình Thuận (công suất gần 50 MW). “Các dự án này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện. Chúng tôi đang chờ đợi giá bán điện gió tăng lên, có sinh lời thì mới có thể bắt tay vào triển khai Dự án”, ông Hồ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư HD nói.

Theo HHĐGBT, cả nước có 10 dự án điện gió đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư và đã có 2 trong số 3 dự án điện gió đầu tiên  đi vào vận hành. Đó là Dự án Điện gió Phong Điện 1 (công suất 30 MW) của Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam trên đất liền tại Tuy Phong (Bình Thuận) và Dự án Nhà máy Điện gió Phú Quý (6 MW) của Tổng công ty Điện lực Dầu khí nằm ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Đại diện HHĐGBT nhận xét, hoạt động của hai dự án điện gió  trên đang trong tình trạng rất khó khăn về mặt tài chính. Nguyên nhân chủ yếu do giá thành sản xuất điện cao hơn giá bán điện (được Chính phủ quy định ở mức 7,8 UScent/kWh, tương đương 1.614 đồng/kWh).

Thực tế cho thấy, giá bán điện gió trên đã được Chính phủ ưu đãi, bởi giá bán điện bình quân của cả nước hiện chỉ là 7,2 UScent/kWh. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung toàn thế giới, thì giá bán điện gió ở Việt Nam thuộc dạng thấp nhất thế giới, trong khi các nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn phải nhập khẩu thiết bị và công nghệ của nước ngoài.

Ông Duy cho rằng, riêng giá thành điện gió còn bị nhiều yếu tố chi phối, do phụ thuộc vào vị trí dự án, tốc độ gió; lưới điện truyền tải… “Chúng tôi trực tiếp đầu tư, nên nhận thấy giá bán điện gió như hiện nay là quá thấp, chưa bù đắp được chi phí đầu tư, vì thế chưa thể triển khai dự án được”, ông Duy nói và cho rằng, giá bán điện gió phải ở mức trung bình trên 10 UScent/kWh, thì nhà đầu tư mới mặn mà triển khai dự án.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đặng Anh Thi, Giám đốc Môi trường và Tiết kiệm năng lượng, Quỹ Tài nguyên tái tạo Indochina Capital cho biết, hiện Quỹ Indochina Capital đang tìm kiếm những dự án điện gió để đầu tư, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện tỷ suất lợi nhuận của dự án điện gió còn quá thấp, nên chưa đầu tư.

Đại diện HHĐGBT cho hay, Hiệp hội đã tính toán và trình lên Chính phủ đề xuất về lộ trình giá bán điện gió. Theo đó, từ nay đến năm 2015, giá điện gió 10 UScent/kWh và sau năm 2017, sẽ tăng lên 12 UScent/kWh.             

Tin bài liên quan