Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Dự án địa ốc TP.HCM ngóng cú hích từ công trình giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các dự án bất động sản tại TP.HCM và vùng lân cận đang ngóng cú hích từ các dự án hạ tầng giao thông.

Chạy đua cùng tiến độ hạ tầng

Kể từ khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành lắp đặt dầm thép cuối cùng, các sàn môi giới nhà đất đã đua nhau rao bán căn hộ của 3 dự án hạng sang trong khu vực Thủ Thiêm.

Cụ thể, có thể kể đến Dự án The Metropole Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và nhà phát triển là SonKim Land, với mức đầu tư dự kiến gần 7.500 tỷ đồng, đang bàn giao giai đoạn I và II.

Được biết, giai đoạn I của Dự án The Metropole với tên gọi The Galleria Residences, gồm 3 tòa tháp 12 tầng với 486 căn hộ.

Tương tự, cách đó khoảng 2 km là Dự án căn hộ Empire City, nằm dọc theo trục đại lộ Mai Chí Thọ, kề bên hầm Thủ Thiêm và đường ven sông Sài Gòn. Dự án có quy mô 15 ha, với tổng kinh phí 1,2 tỷ USD. Giai đoạn I của Dự án Empire City gồm 2 cụm tháp, với gần 1.000 căn hộ.

Cùng chạy đua là Dự án The River Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô 3,5 ha. The River Thủ Thiêm gồm 6 tòa nhà cao 12 - 24 tầng, dự kiến cung cấp cho thị trường 1.140 căn hộ.

Ở phía quận 1, Dự án Grand Marina Saigon tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đón cú hích của cầu Thủ Thiêm 2.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, sự kiện hợp long cầu Thủ Thiêm 2 mới đây đã mang đến thông tin tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế - xã hội của TP.HCM nói chung.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của DKRA Việt Nam cho rằng, ngoài cầu Thủ Thiêm 2, một số công trình trọng điểm khác tại TP.HCM vẫn tiếp tục thi công trong thời gian giãn cách hiện nay. Điều này cho thấy, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm, chú trọng các dự án hạ tầng.

“Đây cũng là những dự án có tác động lớn đến thị trường bất động sản của Thành phố, đặc biệt là những khu vực trọng điểm như khu Đông và khu Nam”, ông Hoàng đánh giá.

Cần phát triển bền vững cho TP.HCM và vùng mở rộng

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông là một trong những yếu tố tác động đến sự phục hồi kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM, đặc biệt là những dự án tại khu vực vùng ven, đang bị ngừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn, Dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức) có mức đầu tư 325 tỷ đồng, mới thi công đạt khoảng 60% khối lượng, do khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện chậm. Tổng diện tích mặt bằng bàn giao mới đạt khoảng 60%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra và công trình đang phải tạm ngưng để chờ bàn giao mặt bằng.

Tương tự, Dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 557 tỷ đồng, đang tắc do mặt bằng chưa được bàn giao. Công trình này thực hiện xây lắp phần cầu đạt 53,1%, nhưng phải dừng thi công từ tháng 12/2019 do mặt bằng phần của mố M1-trụ T1 và mố M2-trụ T8 chưa được bàn giao.

Nhiều dự án khác cũng vướng đền bù, giải phóng mặt bằng phải dừng thi công toàn bộ hoặc dừng thi công các hạng mục như nút giao thông Mỹ Thủy; Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (đã đạt khoảng 85%); cầu vượt Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội có khối lượng thi công đạt khoảng 24%, hiện việc tổ chức thi công công trình gặp khó do không có mặt bằng…

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Địa ốc Thắng Lợi cho rằng, TP.HCM đang chịu áp lực lớn của dân cư đông đúc, tình trạng mất cân bằng dân số, hạ tầng các khu công nghiệp, khu sản xuất quá tải… Vì vậy, cần phát triển thị trường bất động sản bền vững cho TP.HCM và vùng mở rộng phía Nam.

Theo ông Quyền, để thành công với chiến lược này, cần tạo ra được 3 yếu tố: công việc, môi trường sống, kết nối giao thông. Hiện tại, các khu đô thị vệ tinh ở Bình Dương, Đồng Nai... mới giải quyết một trong 3 yếu tố, do đó, bài toán đô thị nén mới được giải quyết một phần.

Mặt khác, khi đầu tư vào các vùng TP.HCM mở rộng, doanh nghiệp gặp khó khăn về hành lang pháp lý và vấn đề đền bù giải tỏa. Do vậy, cần có các quỹ đất sạch, kết nối giao thông thuận lợi và cho doanh nghiệp tham gia thực hiện. Như vậy, giá thành sản phẩm sẽ giảm và người dân sẽ tiếp cận bất động sản dễ hơn. Đó là cách để thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Tin bài liên quan