Mô hình đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
Tín hiệu thuận
Sự cầu thị, minh bạch là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 738/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi tới Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group (có địa chỉ tại 20 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) để phản hồi về đề xuất của doanh nghiệp tư nhân này về Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Theo đó, Bộ GTVT đánh giá cao sự quan tâm của Tập đoàn CT Group tới sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và lĩnh vực đường sắt nói riêng.
Theo Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có vai trò quan trọng kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực.
Thực hiện quy hoạch trên, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Hiện Ban Quản lý dự án đường sắt đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận, làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.
Tại Công văn số 738/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cho biết, đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu Dự án. Sau khi kết quả nghiên cứu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ GTVT sẽ thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu.
“Chúng tôi đề nghị Tập đoàn CT Group theo dõi thông tin về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để nghiên cứu tham gia đầu tư theo quy định”, Công văn số 738/BGTVT-KHĐT do ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP. Theo đó, đây sẽ là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174 km, bao gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng. Với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD, tuyến đường đi qua địa phận 6 địa phương gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Tập đoàn CT Group đưa ra dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ khá lạc quan. Theo đó, theo kịch bản trung bình, đến năm 2035, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển hơn 16,4 triệu lượt hành khách và 19,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2050, tuyến sẽ đạt lượng hành khách gấp 2,5 lần năm 2035, tương ứng hơn 42 triệu lượt hành khách; lượng hàng hóa gấp 4,24 lần năm 2035, tương ứng 81 triệu tấn.
Theo Tập đoàn CT Group, Tập đoàn sẽ hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty Công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) để hình thành một liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho Dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Ngoài doanh thu từ hoạt động vận tải hàng khách và hàng hóa, CMEX dự kiến hoàn vốn đầu tư cho Dự án bằng việc thực hiện phát triển đô thị theo mô hình Green TOD. Trong đó, mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc riêng của mỗi tỉnh với 5 bán kính khác nhau lần lượt từ 500 m đến 10.000 m.
Tập đoàn CT Group khẳng định, đã lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo chủ trương phát triển TOD của Chính phủ. Hiệu quả của 12 dự án sẽ giúp thời gian thu hồi vốn của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được rút ngắn từ 50 năm còn 25 năm. Tập đoàn cam kết hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024 để trình phê duyệt; đồng thời cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành Dự án trước năm 2032.
Nghiên cứu cẩn trọng
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Ban Quản lý sẽ hợp tác, tạo điều kiện tốt nhất cho Tập đoàn CT Group. “Tập đoàn CT Group đã đặt lịch với Ban Quản lý để bước đầu tiếp cận Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Điều này cho thấy phần nào quyết tâm của nhà đầu tư đối với công trình hạ tầng đường sắt quan trọng này”, ông Tùng đánh giá.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tính đến cuối tháng 12/2023, Bộ GTVT đã cơ bản nhận xong các ý kiến góp ý của 6 địa phương có tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong Công văn số 10316/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh này về việc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết, do công trình có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật phức tạp, nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.
“Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025, nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, việc đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững GTVT, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP.HCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42 km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị...
Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến; tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h (tàu khách khai thác tốc độ <190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120 km/h). Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn.
Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD). Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước (hình thức BTL).
“Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của Nhà nước). Trong giai đoạn sau, tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm các mô hình phù hợp với mô hình đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư 11 dự án đường sắt
Theo Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ sẽ ưu tiên huy động nguồn lực để đầu tư 11 dự án đường sắt gồm: Cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các tuyến, ga đường sắt hiện có; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (phần xây dựng kết cấu hạ tầng); tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; xây dựng mới đoạn nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc; tuyến vành đai phía Đông TP. Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng); tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến TP.HCM - Cần Thơ; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo; tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch. Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.