Vỡ mộng
Triển khai xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) và Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu - Đài Loan), Dự án Khu công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng - Da Nang IT Park khi hoàn thiện được kỳ vọng lớn trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng, nhân lực, việc làm và thu nhập cho người lao động, không chỉ cho Đà Nẵng, mà còn cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm khởi công, dự án đang rơi vào giai đoạn… bất động và chờ chuyển nhượng.
Với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD, Dự án được Tập đoàn Rocky Lai & Associates (Mỹ) đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Tập đoàn KDDI (Nhật Bản) đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và được khởi công xây dựng vào tháng 4/2013. Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hoành thành giai đoạn I vào năm 2017 và toàn bộ Dự án vào năm 2023.
Tại lễ khởi công, ông Paul Ta, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát triển CNTT Đà Nẵng (DITP) vẽ ra giấc mơ cho tương lai 10 năm, với mục tiêu thu hút các nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên gia về công nghệ thông tin và công nghệ cao ở nước ngoài đến làm việc; có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động tại Da Nang IT Park, trong đó 5% doanh nghiệp lớn và tiềm năng, 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo 25.000 việc làm (chuyên gia, kỹ sư và công nhân), với doanh thu ước đạt 3 tỷ USD/năm.
Sau hơn 3 năm được triển khai, TP. Đà Nẵng đã chi hơn 100 tỷ đồng cho giải tỏa, đền bù để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất cứ một nghĩa vụ tài chính nào nên đã bị Cục Thuế TP. Đà Nẵng 3 lần cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng.
UBND TP. Đà Nẵng cũng có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải nộp đủ số tiền ngân sách tạm ứng, 10 tỷ đồng tiền chậm nộp phạt và tới ngày 30/6/2015, nếu không thực hiện sẽ chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi toàn bộ Dự án. Vào tháng 3/2015, Công ty DITP đã phát văn bản thừa nhận, “không có đủ năng lực tài chính để tiếp tục triển khai Dự án Khu CNTT Đà Nẵng”.
Nhà đầu tư nội ra tay
Đối mặt với thực tế này, vào tháng 7/2015, Thường trực TP. Đà Nẵng đã đi đến kết luận sẽ thu hồi dự án này. Đúng lúc đó, Công ty cổ phần Trung Nam đã ngỏ ý thay mặt DITP thanh toán các khoản nợ cho ngân sách với điều kiện được chuyển nhượng số cổ phần của Công ty DITP về Trung Nam Land.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, số tiền mà Công ty cổ phần Trung Nam cam kết sẽ thanh toán các khoản tiền phạt chậm nộp, tiền thuê đất, tiền thuế, phí các loại trong vòng 60 ngày kể từ ngày UBND TP. Đà Nẵng có văn bản chấp thuận về mặt chủ trương để DITP được điều chỉnh nhà đầu tư cho dự án, trong đó có nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần Trung Nam và các cá nhân khác.
UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận về mặt chủ trương, nhưng yêu cầu Trung Nam Land phải ký cam kết với Thành phố về thời gian hoàn trả các khoản nợ cho ngân sách, tiến độ triển khai Dự án… nếu không sẽ bị thu hồi vô điều kiện. Những nội dung cam kết này sẽ được trình tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng, dự kiến trong tháng 8/2016 để HĐND Thành phố xem xét.
Trên thực tế, dù chưa được Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng cho ý kiến, nhưng từ đầu năm 2016, Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam E&C, Công ty cổ phần Trung Nam Land đã tổ chức lễ ra quân thi công hạ tầng kỹ thuật tại Da Nang IT Park.
Tại sao chưa có ý kiến của Thường trực HĐND Thành phố nhưng 2 đơn vị này đã tiến hành thi công? Phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty Trung Nam E&C và Công ty Trung Nam Land để làm rõ vấn đề trên, nhưng đáp lại là sự im lặng!
Dự án Da Nang IT Park có số phận đã quá long đong. Vì vậy, việc có nhà đầu tư mới là tín hiệu đáng mừng, nhưng có lẽ cần phải được cân nhắc kỹ để giấc mộng vàng không trở thành… ác mộng!