Thu hút vốn FDI tăng hơn 24%
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, thu hút vốn FDI đạt hơn 159 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Hepza đã cấp phép cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 113 triệu USD, tăng gấp 2,79 lần cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư của Hepza cho biết, trong số các dự án FDI mới cấp phép, có 3 dự án đáng chú ý. Đó là, Dự án Nhà máy Chế biến thực phẩm Cầu Tre (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Hiệp Phước có vốn đầu tư hơn 53 triệu USD. Dự án thứ hai là của Công ty TNHH Việt Nam Paiho (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 34 triệu USD tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Cuối cùng là dự án của Công ty Tsurumi (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD tại Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Liên quan dự án của Tập đoàn Pou Chen, một đại gia về lĩnh vực sản xuất giày thể thao, chuyên gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Asics, New Balance… cho biết, cuối tháng 4/2017, Công ty IDEA (thành viên của Tập đoàn Pou Chen) đã ký thỏa thuận thuê 6,5 ha đất (giai đoạn đầu) tại Khu công nghiệp Tân Tạo để đầu tư xây dựng trung tâm chuyên khai thác, sản xuất các mẫu giày nổi tiếng trên thế giới.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, chủ đầu tư đang tích cực triển khai dự án này theo các quy định hiện hành và nếu mọi việc suôn sẻ, Dự án sẽ sớm được cấp phép trong thời gian tới.
“Đây là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, khi đi vào hoạt động có thể thu hút hàng ngàn lao động”, vị này nói và cho biết, vốn đầu tư cho dự án này có thể lên đến gần 100 triệu USD.
Tìm hướng mới trong đầu tư khu công nghiệp
Thực tế, TP.HCM dù là trung tâm kinh tế của cả nước và luôn ở tốp đầu trong thu hút đầu tư, nhưng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp không nhiều trong mấy năm gần đây.
Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng ban Hepza đã nêu ra những hạn chế dẫn đến thực tế trên. Cụ thể, giá thuê đất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cao do chi phí đầu tư hạ tầng, giá trị đền bù giải tỏa đất rất lớn, nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là chưa kể, tại không ít khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp khó thuê được diện tích đất đủ lớn để xây dựng nhà máy.
Nguyên nhân khác, tại TP.HCM nhà đầu tư có nhiều nơi khác để lựa chọn đầu tư cho phù hợp nhu cầu, như khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung… Do đó, dù tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào Thành phố vẫn ở mức cao, nhưng lượng vốn đổ vào các khu công nghiệp chưa nhiều.
Để giải quyết những hạn chế, khó khăn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Hepza đang tìm những hướng mới.
Mới đây, Hepza đã tham mưu để TP.HCM đề xuất với Chính phủ việc điều chỉnh bổ sung hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, kiến nghị xóa bỏ các khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, Phước Hiệp, Bàu Đưng và bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai có quy mô 668 ha vào quy hoạch.
“Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ góp phần giải quyết khó khăn về kết nối giữa khu công nghiệp với hạ tầng chung”, ông Phước nói và cho biết, dự kiến chủ đầu tư hạ tầng của Khu công nghiệp Phạm Văn Hai là một doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tiềm lực tài chính mạnh và có kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý khu công nghiệp.
Cũng theo ông Phước, tại TP.HCM cũng như một số địa phương khác đã có mô hình chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động khá hiệu quả. Do đó, Hepza đang cân nhắc, xem xét đề xuất giao một số doanh nghiệp có vốn nhà nước làm chủ đầu tư hạ tầng đối với các khu công nghiệp mới. Với mô hình này, Hepza kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong giảm chi phí cho thuê đất phát triển công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư thời gian tới.
Công ty IDEA đã ký thỏa thuận thuê 6,5 ha đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo để đầu tư xây dựng trung tâm chuyên khai thác, sản xuất các mẫu giày nổi tiếng trên thế giới.