Sản xuất tại Công ty Foxconn (Bắc Ninh). Ảnh: Đức Thanh
Khi Apple tiếp tục “gọi tên” Việt Nam?
Thông tin vừa được tờ Nikkei Asia đăng tải, Apple đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Thậm chí, có thông tin còn cho rằng, các nhà cung cấp của Apple, bao gồm Foxconn và Luxshare, đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại Việt Nam, với mục tiêu lần đầu tiên sản xuất thiết bị này ở bên ngoài Trung Quốc.
“AirPod, Apple Watch, HomePod và nhiều hơn nữa… Apple đang có nhiều kế hoạch lớn ở Việt Nam, ngoài việc sản xuất iPad”, Nikkei Asia đã dẫn lời một nguồn tin.
Chưa biết thông tin này chính xác tới đâu, bởi thực tế lâu nay, những thông tin như vậy ít khi được “người trong cuộc” xác nhận. Tuy nhiên, thực tế là, thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất cho Apple có mặt tại Việt Nam. Theo đó, cũng ngày càng có nhiều linh kiện, sản phẩm của Apple được sản xuất tại Việt Nam.
AirPod là một trong những ví dụ điển hình. Nhà sản xuất AirPod lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Goertek. Chỉ từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư này đã tăng vốn tới trên 500 triệu USD để mở rộng sản xuất ở Bắc Ninh và Nghệ An.
Ngoài Goertek, năm ngoái, Foxconn cũng đã đầu tư dự án 270 triệu USD để sản xuất iPad và MacBook tại Việt Nam. Song, do ảnh hưởng của Covid-19, tiến trình triển khai dự án đã bị chậm lại.
Tuy nhiên, các kế hoạch đầu tư tiếp theo vẫn đang được Foxconn thực hiện. Thông tin cho biết, mới đây, Foxconn đã ký biên bản ghi nhớ về việc thuê 50,5 ha đất tại KCN Quang Châu (Bắc Giang). Nhà sản xuất này dự kiến đầu tư khoảng 300 triệu USD cho dự án mới, sau khi đã đầu tư trên 773 triệu USD tại KCN Quang Châu.
Chưa biết với dự án mới, Foxconn sẽ sản xuất sản phẩm gì, nhưng chắc chắn, sẽ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ cao, như thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã nhiều lần nhắc đến xu hướng nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn, như các dự án của Samsung, LG, Goertek... Điều này đã góp phần quan trọng “nâng chất” dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong một báo cáo vừa được công bố, Savills Việt Nam đã nhấn mạnh đến sức hút đầu tư trong những ngành sản xuất giá trị cao của Đông Nam Á và Việt Nam. Theo Savills, trong hơn 1 năm qua, thị trường FDI ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kéo theo nhu cầu lớn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thương mại đến từ các khách hàng này.
“So với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Harding, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới của Savills Hoa Kỳ nói.
Vẫn cần cảnh báo về chất lượng FDI
Dù những tập đoàn công nghệ hàng đầu đang “chuộng” đầu tư vào Việt Nam và đây là xu hướng tích cực, song chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn là điều khiến các nhà quản lý lo lắng.
Dù những tập đoàn công nghệ hàng đầu đang “chuộng” đầu tư vào Việt Nam, song chất lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn là điều khiến các nhà quản lý lo lắng.
Trong một báo cáo gần đây về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có chất lượng chưa cao, chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn và còn tình trạng dễ dãi trong việc chấp nhận các dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả về tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.
“Chúng ta cũng khó có khả năng cạnh tranh trong thu hút vốn FDI, do quy mô thị trường nội địa chưa lớn, trong khi nhiều quốc gia ngay sát Việt Nam có lợi thế lớn do đã phát triển đồng bộ về hạ tầng, chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.
Trên thực tế, đã từng có chuyện có những dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao không chọn Việt Nam, mà chuyển sang đầu tư ở các nước lân cận. Dự án 1,8 tỷ USD của AT&S (Áo) là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian khảo sát, AT&S đã quyết định đầu tư tại Malaysia, thay vì Việt Nam, với lý do là quốc gia này có kết cấu hạ tầng tốt, chuỗi cung ứng ổn định, ngành công nghiệp bán dẫn đã hiện diện 30 năm qua và hệ sinh thái được liên kết rộng khắp, môi trường kinh doanh tổng thể phát triển tốt... Việt Nam thiếu hụt nhiều nền tảng quan trọng, trong đó có cả vấn đề nhân lực chất lượng cao.
“Có rất nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc mà Việt Nam có thể học tập, bao gồm cả việc phát triển vốn con người. Việt Nam có những lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng nếu so với Trung Quốc thì phải thấy rằng, chất lượng các trường đại học của họ tăng rất nhanh trong thời gian qua. Việt Nam cũng phải xử lý vấn đề này. Để thu hút được đúng lĩnh vực FDI mà chúng ta mong muốn, thì phải có nhân tài”, ông Danny Leipziger, Trưởng nhóm Tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) nói.
Cũng theo ông Danny Leipziger, Việt Nam phải có chiến lược thu hút FDI để làm sao có được công nghệ tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tăng năng suất, tạo tăng trưởng kinh tế.