Nhiều dự án “đắp chiếu” lâu năm, rất mong được giải cứu. Trong ảnh: Dự án Green Star Sky Garden của Công ty Hưng Lộc Phát

Nhiều dự án “đắp chiếu” lâu năm, rất mong được giải cứu. Trong ảnh: Dự án Green Star Sky Garden của Công ty Hưng Lộc Phát

Dự án chậm trễ, tắc nguồn cung, doanh nghiệp bất động sản khẩn thiết mong được “giải cứu”

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Ba năm cùng một kiến nghị

“Chưa lúc nào thị trường bất động sản TP.HCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay”. Đây là chia sẻ đầy trăn trở của Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những vướng mắc mà doanh nghiệp này gặp phải nhiều năm qua.

Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp này, năm 2019 và 2020, sở dĩ họ còn cầm cự được là nhờ vào nguồn vốn tích lũy những năm trước đó. Đến thời điểm hiện nay, nguồn lực đã gần cạn kiệt, thậm chí có những tháng, công ty âm dòng tiền, nếu tình trạng này tiếp tục thì chỉ một thời gian ngắn nữa, nguy cơ doanh nghiệp sẽ bị phá sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hầu hết dự án bất động sản ở TP.HCM đều rơi vào tình trạng “đứng hình” do ách tắc thủ tục. Điều đáng lo ngại là, không một doanh nghiệp phát triển dự án nào tự tin nói rằng không sử dụng vốn vay, ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu tiền đã đổ xuống mà dự án bị đình lại vài quý, thậm chí vài năm vì yếu tố pháp lý thì coi như hồi chuông “báo tử” cho doanh nghiệp.

Một buổi đối thoại với doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản do UBND TP.HCM tổ chức đã diễn ra mới đây. Tại sự kiện này, ngoài kiến nghị dài hàng chục trang được HoREA tổng hợp, còn có đại diện của 17 doanh nghiệp khẩn thiết mong sớm được tháo gỡ khó khăn. Bởi 3 năm qua kể từ khi thị trường có dấu hiệu sụt giảm nguồn cung, cũng là chừng ấy thời gian họ phải đối mặt với vô vàn thử thách.

Hiện vẫn còn vướng mắc trong giai đoạn xem xét đủ điều kiện trước khi nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì vậy, đề nghị Thành phố có cơ chế giám sát khâu tiếp nhận hồ sơ, khi hồ sơ của doanh nghiệp được sở, ngành xác nhận đầy đủ mới có biên nhận hồ sơ. Từ đó mới không còn tình trạng sở, ngành nhận hồ sơ rồi vẫn yêu cầu doanh nghiệp bổ sung nhiều lần.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng đầu tư bất động sản Lê Thành băn khoăn: “Chúng tôi đang cân nhắc có làm nhà ở xã hội nữa hay không. Vì quá nhiều thủ tục khó khăn, nhiều người khuyên tôi chuyển sang làm nhà ở thương mại cho an toàn”.

Ông Thành cho hay, tại dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh), dù đã được UBND Thành phố chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, nhưng sau 3 năm thực hiện dự án, nay lại phải tiến hành “bước thứ nhất”.

Mặc dù có quy định thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng là 215 ngày, nhưng thực tế việc xử lý hồ sơ có thể kéo dài hơn rất nhiều vì hồ sơ phải “chạy” giữa các sở/ngành, quận/huyện. Thậm chí, một văn bản từ phòng quản lý đô thị lên UBND quận phải mất vài tháng.

Chưa kể, dù là dự án nhà ở xã hội, do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư từ đầu đến cuối, nhưng lại bị kiểm toán như một dự án sử dụng vốn nhà nước. Khi kiểm toán vào cuộc lại “bắt giò” quá chi ly, toàn lỗi lặt vặt nhưng cũng bị phạt nhiều tiền, làm nản lòng chủ đầu tư.

Trong tổng hợp kiến nghị của HoREA, có thể thấy, nhiều vụ việc chủ đầu tư nêu lên tại các cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM từ 3 năm trước, nhưng cứ lặp đi lặp lại vì không được giải quyết, hoặc giải quyết rất chậm.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, cách đây 3 năm, lãnh đạo Thành phố cũng gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn. Khi đó ông đã nêu ra các khó khăn mà doanh nghiệp ông gặp phải, nhưng đến cuộc gặp này, dự án của ông vẫn vậy và ông lại tiếp tục kiến nghị.

Chờ cái hẹn tháng 4

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong những năm qua, UBND Thành phố phải tiếp rất nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, chưa nói tới kiểm toán. Ví dụ như đoàn của Thanh tra Chính phủ, thanh tra 164 dự án, trong đó đa phần là dự án bất động sản khiến các dự án này phải dừng lại. Trong quá trình đó, các sở, ngành cũng phải tiếp và giải trình việc tham mưu để triển khai các dự án đó như thế nào, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Tôi xin nêu vài lý do như thế để thấy rằng, UBND Thành phố cũng hiểu các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, các khó khăn đến từ phía Thành phố cũng có, mà các vướng mắc đến từ Trung ương cũng có. Tôi cũng nói với các sở phải chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi họ đi làm dự án phải vay vốn rất nhiều, mà đình lại một ngày thì doanh nghiệp phải trả bao nhiêu lãi suất. Các dự án kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Nếu không giải quyết kịp thời những khó khăn sẽ tác động đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến sự phát triển của Thành phố”, ông Phong nói và cam kết trách nhiệm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của UBND Thành phố, giúp doanh nghiệp bất động sản chính là giúp Thành phố.

Trên cơ sở những kiến nghị của doanh nghiệp, người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng chỉ đạo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình sắp xếp lịch để lãnh đạo các sở trong khối đô thị làm việc với HoREA nhằm giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách và báo cáo Thường trực Ủy ban.

Với từng trường hợp cụ thể, Sở Xây dựng phối hợp HoREA cung cấp đầy đủ thông tin để xử lý. “Những vấn đề nào xong thì triển khai ngay cho doanh nghiệp, như vụ 110 căn biệt thự (Dự án Green Star Sky Garden) của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng, thì phải cho phép doanh nghiệp triển khai trở lại, không để chậm nữa”, ông Phong nhấn mạnh.

Tin bài liên quan