Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có vốn đối ứng để xây tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ vừa có Nghị quyết "gỡ vướng" về nguồn vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sau gần 5 năm chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị ngừng thi công từ năm 2019 do thiếu vốn đối ứng.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị ngừng thi công từ năm 2019 do thiếu vốn đối ứng.

Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, chính thức tháo gỡ nút thắt vốn đối ứng kéo dài từ năm 2019 đến nay.

Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chính phủ cũng yêu cầu VEC triển khai dự án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; đảm bảo tiến độ, tránh thất thoát, tránh phát sinh khiếu kiện, chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, khởi công tháng 7/2014, điểm đầu ở nút giao cao tốc Trung Lương và vành đai 3 TP HCM (địa phận Long An); điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Tuyến đường được thiết kế giai đoạn một có bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, dự kiến hoàn thành sau 5 năm, góp phần giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 31.320 tỷ đồng, trong đó hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); gần 12.000 tỷ đồng từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); gần 5.700 tỷ đồng còn lại từ nguồn đối ứng trong nước.

Năm 2019, dự án chưa hoàn thành theo kế hoạch mà mới đạt 80% tổng khối lượng thì bị vướng thủ tục do từ năm 2018, VEC không còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên chưa được bố trí vốn đối ứng.

Vướng mắc này khiến công trường bị ngưng trệ nhiều năm, một số nhà thầu dừng thi công, thậm chí có nhà thầu khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore.

Để gỡ vướng cho nguồn vốn đối ứng dự án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án này.

Qua tổng hợp ý kiến của các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đều có nhận định chung: phương án VEC tự cân đối số vốn đối ứng còn lại của dự án (khoảng 758 tỷ đồng) là khả thi.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cho phép VEC dùng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp của đơn vị này để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, số tiền nói trên thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn tiền thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.

Tại cuộc họp báo quý I/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã có phát ngôn trực tiếp về vấn đề này.

Ông Hiển cho hay, trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí nguồn vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong đó có nội dung Bộ Giao Thông Vận tải đề nghị cho phép VEC dùng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn nhàn rỗi để hoàn thành dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng cần làm rõ bản chất nguồn tiền 5.100 tỷ đồng của VEC và việc chi số tiền này có phù hợp quy định pháp luật hay không.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công thì các khoản vay phải được trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không được phát sinh nợ quá hạn. "Trong khi đó, hiện nay VEC đang trình các cấp có thẩm quyền được vay ngân sách để khoanh khoản nợ phát hành trái phiếu khoảng 5.300 tỷ đồng và khoản lãi 1.700 tỷ đồng. Nguồn 5.100 tỷ đồng này nếu VEC có thì phải để trả nợ trước", ông Hiển nhấn mạnh.

Để thực hiện rõ bản chất, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước họp với các bộ ngành liên quan trong đó có Bộ Tài chính. Tại đây, VEC đã giải trình rằng điều chỉnh nguồn này không phải nguồn rỗi mà là nguồn thu giá dịch vụ khoảng 10.700 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn sửa chữa lớn chưa sử dụng, thuế VAT và khoản khác..., trong đó một số nguồn VEC được sử dụng nhưng một số nguồn phải nộp ngân sách.

"Nghị quyết 41/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 30/3 đã thống nhất chủ trương giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai dự án với điều kiện tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có nghĩa vụ trả nợ", ông Hiển nhấn mạnh.

Tin bài liên quan