Chiều 10/1/2022, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Chiều 10/1/2022, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trước đó, Chính phủ đã có bản giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở Tổ do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể ký.
Làm rõ tiến độ Dự án
Tiến độ thực hiện Dự án được Chính phủ trả lời chi tiết. Cụ thể, chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Với tiến độ nêu trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp, như bão lũ, điều kiện thời tiết bất thường dẫn đến phải dừng thi công, quá trình thi công phát sinh các tình huống phải xử lý kỹ thuật..., đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn có yêu cầu kỹ thuật phức tạp (như công trình cầu, hầm lớn, nền đường phải xử lý đất yếu…). Dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Trước đó, thảo luận về Dự án, một số đại biểu tính toán, cần khoảng 3 năm để hoàn thiện các bước theo quy định để khởi công (quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu...) và khoảng 2 - 3 năm để thi công hoàn thành công trình, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến.
Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn trước đây khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn. Ngay với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư (tháng 11/2017), đến tháng 10/2018 mới phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đến tháng 9/2019 mới khởi công được gói thầu đầu tiên.
Đây là lý do Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là một trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc Chương trình nên kiến nghị được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù nêu tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng nhiều đại biểu vẫn chưa an tâm với tiến độ thực hiện, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của Dự án.
“Để hoàn thành Dự án đúng theo tiến độ nêu trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn, tuy nhiên đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên phải quyết tâm tổ chức thực hiện thành công”, báo cáo giải trình của Chính phủ gửi Quốc hội xác định rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, trong báo cáo giải trình gửi Quốc hội, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết về Dự án: “Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án nhóm A”.
Vì trong tổng số 12 dự án thành phần, có 10 dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng), trường hợp triển khai theo đúng trình tự, thủ tục sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị dự án, rất khó bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Xác định thực hiện tốt khâu chuẩn bị dự án
Trong báo cáo giải trình, Chính phủ cũng đã khẳng định, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ để triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, xác định phải thực hiện tốt ngay từ khâu chuẩn bị dự án, các số liệu thống kê, dự báo và tính toán phải bảo đảm chính xác, hạn chế các tình huống bị động, phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
“Các bộ ngành, cơ quan và địa phương phải phối hợp, gắn kết chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của Dự án, tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương”, Chính phủ báo cáo với đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan giám sát của Quốc hội, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời các khâu trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ Dự án theo đúng yêu cầu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn được phân bổ; bảo đảm công khai, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí và phát sinh các tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án.
Trước đó, trong quá trình thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài cụ thể để tránh chậm trễ việc hoàn thành Dự án, đề nghị Chính phủ có báo cáo Quốc hội trong tháng 5/2022 về kế hoạch thực hiện Dự án.