Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Không đánh đổi chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy nền kinh tế.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Không đánh đổi chất lượng

Dù còn phải đợi nghị quyết của Chính phủ khi triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nhưng ngay từ lúc này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), cơ quan được giao đầu mối tổ chức thực hiện, cần phải vào việc ngay với tinh thần “thần tốc”, không để thời gian chết thì mới mong cơ bản hoàn thành công trình vào cuối năm 2025.

Thực tiễn cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn cần khoảng 3 năm cho việc chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật để khởi công dự án; cần 2 - 3 năm, thậm chí có thể dài hơn để thi công hoàn thành công trình nếu triển khai trên nền địa chất yếu, phức tạp. Trong khi đó, đến thời điểm này, ngoài việc mới xong bước phê duyệt chủ trương đầu tư, toàn bộ công việc quan trọng, tốn nhiều thời gian khác của Dự án vẫn còn ở phía trước.

Liên quan tới Dự án, có 5 đường găng tiến độ bắt buộc phải hoàn thành đúng hạn.

Đó là phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 9/2022); lập, thẩm định và phê duyệt dự toán thiết kế kỹ thuật (tháng 3/2023); giải phóng mặt bằng, tái định cư (tháng 2/2024); lựa chọn nhà thầu (tháng 6/2023); tổ chức thi công (tháng 6/2023).

Các mốc tiến độ này như những quân bài đô - mi - nô. Khi không hoàn thành đúng hạn thì sẽ ảnh hưởng dắt dây đến toàn bộ khâu còn lại, nhất là ít nhất 1/3 chiều dài đoạn tuyến qua khu vực Tây Nam Bộ có địa chất rất yếu, rủi ro cao về chất lượng công trình.

Cần phải nói thêm rằng, trong lịch sử ngành GTVT, ngoài thời kỳ chiến tranh, chưa có công trình lớn nào lại gấp gáp, đòi hỏi rất cao về tiến độ như Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Áp lực là rất lớn, bởi nếu không cơ bản hoàn thành công trình vào cuối năm 2025 thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Quốc hội đã phải ưu tiên nguồn lực rất lớn cho toàn bộ Dự án bằng vốn đầu tư công nhằm giảm tối đa rủi ro về mặt tiến độ có thể phát sinh nếu triển khai theo hình thức PPP.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, việc thúc đẩy đầu tư công, trong đó Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là điểm nhấn quan trọng, được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy thật nhanh nền kinh tế khi dịch Covid-19 qua đi. Mặt khác, sự đầu tư lớn này cũng góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chính vì vậy, bên cạnh gói cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, cung cấp vật liệu… để không rơi vào tình trạng bội thực, có vốn mà không hấp thụ được, cần phải có nỗ lực quyết tâm lớn của toàn thể hệ thống chính trị, của các địa phương, trong đó Bộ GTVT là lực lượng chủ công.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ có thể đạt được kết quả tích cực khi các chủ đầu tư nhận diện được những rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để rút ngắn tiến trình triển khai dự án.

Ngoài việc học tập mô hình triển khai nhanh gọn công trình của các nhà đầu tư tư nhân như Vingroup, Sungroup; xem xét thuê chuyên gia, tư vấn hàng đầu nước ngoài; Bộ GTVT phải yêu cầu các chủ đầu tư được giao vốn nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Ngoài ra, phải kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp... để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Quan trọng hơn, tiến độ triển khai Dự án tuy đòi hỏi phải nhanh, nhưng các chủ dự án cũng tuyệt đối không được phép xảy ra thiếu sót liên quan đến chất lượng công trình.

Bài học xương máu từ Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho thấy, việc châm chước liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, đốt cháy giai đoạn sẽ bị phát hiện và phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng sinh mệnh chính trị, sự an yên của gia đình, bản thân.

Hình ảnh những lãnh đạo điều hành dự án, lãnh đạo nhà thầu, tư vấn giám sát tại các phiên tòa xét xử về vụ án cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng tại công trình cao tốc Đà Nẵng cần được toàn ngành GTVT thấm nhuần. Những cá nhân thực thi nhiệm vụ phải biết sợ khi có ý định “xé rào” vi phạm chất lượng, tiêu chuẩn hoặc có ý định tư túi trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nhất là khi công trình này chắc chắn chịu sự giám sát rất nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, cũng như tai mắt của quần chúng, nhân dân.

Tin bài liên quan