Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Hé lộ kịch bản giải phóng mặt bằng

Hơn 3.300 hộ dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ nhường đất đai, nhà cửa phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Hé lộ kịch bản giải phóng mặt bằng

Sau hơn 4 năm rưỡi tiến hành công tác khảo sát, đo đạc, tính toán, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Văn bản số 3173/UBND - ĐT chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho “siêu” Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành trên diện tích 5.000 ha cho giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cần thu hồi 4.698,2 ha đất nông nghiệp, 301,8 ha đất phi nông nghiệp. Toàn bộ phần diện tích cần thu hồi sẽ tập trung tại 6 xã thuộc huyện Long Thành là Bình Sơn (1.998,9 ha); Suối Trầu (1.358,6 ha), Cẩm Đường (507,8 ha); Bàu Cạn (157,7 ha); Long An (659,6 ha) và Long Phước (317,4 ha).

Được biết, điểm găng lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án mà tỉnh Đồng Nai sẽ phải đối mặt chính là việc thu hồi 81 ha đất ở, gồm 497.000 m2 nhà ở các loại của 5.381 hộ dân, trong đó có 3.321 hộ dân bị giải tỏa trắng, 152 hộ bị giải tỏa một phần nhà và đất cùng 1.908 hộ bị thu hồi một phần đất.

Cho dù số liệu trên có thể còn thay đổi, nhưng đến thời điểm này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có thể công bố con số khái toán về tổng số tiền phục vụ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án. Cụ thể, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng toàn Dự án là 15.300 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là khoản tiền bồi thường, hỗ trợ về đất là 5.911,4 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ và thưởng di dời là 3.357,9 tỷ đồng.

Do phải bám theo phân kỳ đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập, nên công tác giải phóng mặt bằng Dự án cũng được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I - xây dựng đường băng và các công trình phục vụ theo quy hoạch sẽ được triển khai trên địa phận 5 xã với diện tích cần thu hồi là 2.565 ha, với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ là 4.181 tỷ đồng.

“Điểm thuận lợi là có tới 962 ha thuộc mặt bằng bố trí đường băng và nhà ga rơi vào phần diện tích cao su do Nông trường Cao su Bình Sơn đang quản lý khai thác. UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công sớm có mặt bằng xây dựng”, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói và cho biết, chỉ có 1.025 hộ dân bị giải tỏa phục vụ thi công sân bay trong giai đoạn I, trong đó có 725 hộ bị giải tỏa trắng.

“Các hộ dân bị giải tỏa trắng sẽ được giao nền đất với diện tích trung bình mỗi lô là 300 m2”, lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định.

Như vậy, nếu tính cả chi phí xây dựng 2 khu tái định cư tập trung nói trên, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ Dự án sân bay Long Thành lên tới 20.770 tỷ đồng.

Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng, áp dụng cơ chế đặc thù, giao cho tỉnh là chủ đầu tư. Bên cạnh đó, sau khi chủ trương đầu tư xây dựng Dự án được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí khoảng 7.152 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2015 phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm giao thông - vận tải (một trong hai chuyên gia phản biện Dự án) cho rằng, cùng với việc bố trí vốn sớm xây dựng các khu tái định cư tập trung, UBND tỉnh Đồng Nai cần phải lên xây dựng phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng, nhằm đảm bảo đời sống ổn định.

Nhận định này là có cơ sở, bởi kết quả điều tra sơ bộ của tỉnh Đồng Nai cho thấy, có tới 80% trong tổng số 14.714 người (đang trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng bởi Dự án) có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và muốn có việc làm mới.

“Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng công trình có quy mô lớn nhất Việt Nam này”, ông Long khẳng định.

Tin bài liên quan