Dấu ấn vô tiền khoáng hậu của Đồng Nai
Cuối tháng 8/2023, Đồng Nai tổ chức lễ tổng kết và bàn giao mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 2 tuyến đường giao thông kết nối. Để xây dựng dự án sân bay này, Đồng Nai thu hồi diện tích đất khoảng 5.000 ha của hơn 5.500 hộ dân. Đến nay, Đồng Nai đã thu hồi gần 4.900 ha, đạt tỷ lệ hơn 98%. Trong số này, có hơn 2.900 ha là đất của các hộ gia đình, cá nhân (chiếm gần 59% tổng diện tích thu hồi); đất của các tổ chức trong khu vực dự án cần thu hồi gần 2.000 ha.
Riêng việc tái định cư, có 4.589 hộ, huyện Long Thành đã xét duyệt cho 4.271 hộ. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang xem xét hướng xử lý với 318 hộ thuộc các dạng khó khăn, vướng mắc cơ chế thực hiện so với thực tiễn.
Đó là công việc “vô tiền khoáng hậu” ở Đồng Nai.
Đây là “siêu dự án” phải thu hồi diện tích đất với số hộ dân bị ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay của Đồng Nai. Đồng Nai đã huy động, biệt phái hơn 100 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ của các sở, ngành liên quan hỗ trợ UBND huyện Long Thành trong quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng.
Theo Luật Đất đai, 5.283 thông báo của 15.720 thửa đất phải được ban hành đến từng hộ gia đình. Nhưng việc cấp sổ đỏ cho người dân được đo đạc điều vẽ từ không ảnh từ năm 1996, nên nhiều hộ không đúng hiện trạng, phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất, lập lại trình tự, thủ tục bồi thường, rồi phải thẩm tra lại.
Hơn thế nữa, thời điểm triển khai thực hiện Dự án chưa có bản đồ thu hồi đất theo hiện trạng thực tế, nên bản đồ thu hồi đất phải thực hiện song song với công tác kiểm đếm tài sản trên đất, do đó, chưa cập nhật biến động đất đai, vừa hoàn chỉnh bản đồ thu hồi đất và chỉnh lý công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây chưa chính xác...
Đặc biệt, nhiều xã trong quy hoạch sáp nhập thành một xã (Bình Sơn), quản lý theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khiến toàn bộ hồ sơ thu hồi đất của Dự án được tập trung về cho UBND xã Bình Sơn thực hiện, dẫn tới chính quyền xã “gánh” khối lượng công việc gấp 6 lần.
Trong khi đó, Đồng Nai cũng là tâm điểm đại dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tiến độ dự án, chi trả bồi thường… không được phép lùi.
Còn với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay mà ACV làm chủ đầu tư, phải tổ chức đấu thầu quốc tế, phải thuê công ty tư vấn giám sát của Nhật Bản...
Các nhà thầu đã có mặt bằng sạch thi công dự án |
13 năm 5 tháng hy sinh và đợi chờ
Theo UBND huyện Long Thành, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng từ năm 2005. Đến ngày 6/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1487/QĐ-TTg phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến ngày 28/12/2018, UBND huyện Long Thành đã ban hành thông báo thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân thuộc Dự án và tổ chức triển khai công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ theo khung chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt.
Như vậy, tổng thời gian từ khi phê duyệt quy hoạch Dự án đến khi thực hiện công tác thu hồi đất, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ là 13 năm 5 tháng.
Người có trách nhiệm huyện Long Thành cho biết, trong hơn một thập kỷ đó, hàng ngàn hộ dân vùng quy hoạch sống trong hồi hộp. Họ không biết bao giờ, Dự án sẽ được thực hiện, mình sẽ đi đâu, cuộc sống sau này ra sao…
Hơn thế nữa, quyền lợi của người dân theo Luật Đất đai cũng bị nhiều hạn chế, như với việc xây dựng nhà cho con khi lập gia đình (lấy vợ, lấy chồng), tách thửa chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, thay đổi cơ cấu cây trồng để làm kinh tế gia đình, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, bà N.T.P (65 tuổi, ngụ tại xã Cẩm Đường) không quên cảnh “chạy” sang hàng xóm trú mưa, bởi căn nhà đã mục nát, có nguy cơ đổ sập do xây từ năm 1980 mà không thể xây mới.
Còn anh Nguyễn Văn Sơn (xã Suối Trầu) bồi hồi, nhiều thế hệ gia đình phải sống chen chúc trong những ngôi nhà xập xệ, thiếu an toàn. Có người ốm đau, kẹt tiền quá phải bán chui đất với giá rẻ mạt.
Không chỉ dân, đến cả trụ sở UBND xã Suối Trầu, trường học, trạm y tế được xây từ hàng chục năm trước cũng không thể sửa chữa.
Suối Trầu là xã duy nhất bị giải tỏa trắng, trong 6 xã bị ảnh hưởng bởi Dự án.
Cũng bởi vậy, theo UBND huyện Long Thành, nhiều người dân phải đi ở trọ làm công nhân, mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay, bằng hình thức ủy quyền.
Mịt mù và chịu đựng đến mức, hồi năm 2015, một đại biểu Quốc hội của Đồng Nai phải ý kiến tại nghị trường rằng, cần sớm triển khai dự án, bởi mong mỏi lớn nhất của người dân hiện nay là sớm được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, lo cho tương lai lâu dài, không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm, đợi chờ.
Rồi tới cuối năm 2018, cơ quan chức năng Đồng Nai mới có thể triển khai lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ.
Ra ở trọ để 3,5 năm “thần tốc”
Người dân đã hy sinh cho Dự án mong mỏi được triển khai hiệu quả hơn chương trình đào tạo việc làm. Được biết, trong vùng dự án có khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi) bị ảnh hưởng việc làm, trong khi nhu cầu nhân sự và lao động làm việc trong khu vực sân bay cần gần 14.000 người. Tuy nhiên, việc đăng ký của người dân cũng như triển khai của cơ quan chức năng chưa “thuận buồm xuôi gió”.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhẩm tính, từ thời gian bắt đầu tổ chức thu hồi bồi thường tới thời điểm bàn giao (cuối tháng 8/2023) là hơn 3,5 năm.
Chỉ 3,5 năm, Đồng Nai đã tổ chức thu hồi diện tích gần 4.900 ha, đạt tỷ lệ hơn 98%, xét duyệt tái định cư cho 4.271 hộ dân, nói như Phó thủ tướng Lê Văn Thành trong một lần đi khảo sát sân bay, là một kỳ tích.
Quyền Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức vốn là người phụ trách công tác giải phóng mặt bằng “siêu dự án” từ thời còn giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, nên rất “thấm”, đặc biệt khi Covid-19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng không được phép lùi tiến độ dự án.
“Từ giữa năm 2021 đến hết quý I/2022 là thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trong thời gian này, nhiều thời điểm phải cách ly, hạn chế tối đa việc ra đường, nên đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với dân, phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường, công khai phương án và chi trả đến hộ dân”, ông Đức cho biết.
Hồi đó, cơ quan chức năng Đồng Nai đã không thể chi trả được tiền bồi thường cho người dân theo đúng kế hoạch; không thực hiện được việc tổ chức bốc thăm nhận đất tái định cư cho các hộ dân; nhà thầu xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang trong quá trình hoàn thiện thì bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu; việc xây nhà của nhiều hộ dân đã nhận đất cũng bị gián đoạn…
Ban Chỉ đạo dự án của Đồng Nai đã phải liên tục đưa ra các biện pháp thực hiện và yêu cầu bộ phận chuyên môn linh động phương án để vẫn đảm bảo công tác chống dịch, nhưng không bị ngắt quãng thời gian. Thậm chí, ngay cả khi hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở trong khu tái định cư lúc cao điểm chống dịch, thay vì yêu cầu dừng hoạt động, thì Đồng Nai hướng dẫn các hộ dân thực hiện “3 tại chỗ”.
Cũng bởi “thần tốc”, theo UBND huyện Long Thành, trước đây, đã có hàng ngàn hộ đồng ý giao đất trong quy hoạch và ra tạm cư ở nhà trọ, chờ giao đất tái định cư.
Đó là chưa nói, sự chịu đựng, hy sinh để thay đổi khi về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, trường học chưa kịp làm (theo quy hoạch nơi đây đủ trường mầm non, tiểu học…), con cái nhiều hộ dân phải đi xa “mua con chữ”.
Nhiều nông dân gắn bó nghề nông, nay về nơi phố xá phải cố gắng thay đổi. Ai may mắn bốc được lô đất mặt tiền ngã tư thì mở cửa hàng tạp hóa, quán ăn uống, tập bán, tập buôn. Có người mượn đất trống trồng rau để bán kiếm tiền. Nhiều hộ dân được đền bù mảnh đất cả trăm mét vuông, nhưng lại không có tiền làm sổ đỏ và xây nhà, đã chấp nhận bán rẻ để mua mảnh đất nhỏ, giá thấp hơn để xây tạm căn nhà.
Quá khứ hy sinh, hiện tại vẫn vất vả là những gì mà hơn 15.500 nhân khẩu (hơn 5.000 hộ dân) đã chấp nhận, để có hôm nay, Đồng Nai bàn giao mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.