Dự án Nâng cấp Quốc lộ 14 có phương án tài chính trong hợp đồng BOT được tính quá “xông xênh”. Ảnh: Anh Minh

Dự án Nâng cấp Quốc lộ 14 có phương án tài chính trong hợp đồng BOT được tính quá “xông xênh”. Ảnh: Anh Minh

Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Lắk: Sai sót “đầy mình”

Quá nhiều sai sót diễn ra tại Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 4 đoạn (Km1738+148 ÷ Km1763+610) tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT.

“Xé rào” tỷ lệ vốn góp

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất kết luận Thanh tra tại dự án trên. Đây công trình để xảy ra nhiều tai tiếng bậc nhất trong số các công trình giao thông được triển khai trong những năm gần đây.

Dự án được Bộ GTVT chỉ định Liên danh Công ty Kinh doanh hàng XNK Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai, Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư là 836 tỷ đồng. 

Căn cứ Hợp đồng số 12698/HĐ.BOT - BGTVT ngày 25/11/2013, được ký bởi Bộ GTVT và nhà đầu tư, thì công trình có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian thu phí hoàn vốn 20 năm 2 tháng 22 ngày. Cho đến thời điểm đoàn Thanh tra vào cuộc (tháng 8/2015), Dự án đã được thông xe kỹ thuật 2 tháng, sau đó chính thức tiến hành thu phí hoàn vốn từ 0h ngày 10/11/2015.

"Việc hụt tới 1/4 thời gian cho vay, không chỉ vi phạm cam kết huy động đủ vốn cho công trình mà còn khiến dòng tiền của Dự án bị ảnh hưởng tiêu cực".

Cần phải nói thêm, ngay cả khi vượt tiến độ 6 tháng, nhưng những sai sót xuất hiện trong quá trình triển khai Dự án là nghiêm trọng, chủ yếu xuất phát từ sự nghiệp dư của nhà đầu tư BOT.

Những ghi nhận tại bản Kết luận Thanh tra cho thấy, Công ty cổ phần BOT Quang Đức đã  liên tục “xé rào”, coi thường các điều khoản được ấn định tại Hợp đồng BOT, cũng như coi thường các quy định về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.

Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết, ngay sau khi ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, liên danh 3 nhà đầu tư do Công ty Kinh doanh hàng XNK Quang Đức đứng đầu đã họp và ra nghị quyết điều chỉnh tỷ lệ vốn góp giữa các cổ đông sáng lập Công ty BOT. Theo đó, Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A (góp 20%) rút khỏi liên danh; Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai giảm tỷ lệ từ 30% xuống còn 0,5%; đồng thời nâng tỷ lệ vốn góp của Công ty Kinh doanh hàng XNK Quang Đức lên 95,5%.

Kết luận Thanh tra Dự án cũng xác nhận, Công ty cổ phần BOT Quang Đức là doanh nghiệp dự án với vốn điều lệ 260 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra, có tới 2 nhà đầu tư chưa thực hiện góp vốn theo cam kết, trong khi Công ty Quang Đức đã góp 102,2 tỷ đồng, so với cam kết hợp đồng BOT là 125,41 tỷ đồng và mãi đến năm 2014, sau khi bị Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phát hiện và dọa “chấm dứt hợp đồng”, Công ty Quang Đức mới có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị chấp thuận thay đổi tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư dự án, nhưng đến nay Bộ GTVT chưa có văn bản chấp thuận.

“Việc các nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn thực hiện dự án sau khi được Bộ GTVT chấp thuận là Nhà đầu tư dự án tại Quyết định số 1681/QĐ-BGTVT ngày 18/6/2013 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/9/2013, là chưa đảm bảo quy định theo Điều 14 của Hợp đồng BOT”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Nguy cơ thiếu hụt dòng tiền

Thanh tra Bộ GTVT còn phát hiện Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Gia Lai và Công ty CP BOT Quang Đức có thời hạn cho vay 15 năm, ân hạn 3 năm; trả lãi vay hàng tháng, trong khi, thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án là trên 20 năm.

“Việc hụt tới 1/4 thời gian cho vay, không chỉ vi phạm cam kết huy động đủ vốn cho công trình mà còn khiến dòng tiền của Dự án bị ảnh hưởng tiêu cực”, một chuyên gia nhận định.

Với những lỗi như trên, theo các chuyên gia, việc xem xét cấm tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong một thời gian nhất định cần được đặt ra, thay vì yêu cầu có phần nương tay: “rút kinh nghiệm và tiến hành hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định đối với Nhà đầu tư không tham gia góp vốn theo giấy phép đầu tư và giấy phép kinh doanh của Doanh nghiệp dự án”.          

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là những sai sót nổi cộm nhất tại Dự án được ghi nhận bởi đoàn Thanh tra Bộ GTVT. Qua thực tế kiểm tra hóa đơn, chứng từ, Thanh tra  Bộ GTVT xác định định, giá trị giảm trừ so với Hợp đồng BOT tại Dự án lên tới 135,541 tỷ đồng gồm: chi phí lãi vay là  -46,699 tỷ đồng, chi phí dự phòng tạm tính sau khi trừ giá trị xây lắp bổ sung chưa được chấp thuận là -88,842 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, bên cạnh lý do thi công vượt tiến độ, phương án tài chính trong hợp đồng BOT được  tính quá “xông xênh” là những lý do dẫn tới việc Dự án bị giảm trừ sâu như vậy.

Với khoản giảm trừ này, thời gian thu phí hoàn vốn Đoàn thanh tra tạm tính lại theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT là 16 năm 9 tháng 10 ngày. 

Cần phải nói thêm rằng, các chỉ số về giảm giá trị dự án, giảm thuế VAT… khi tiến hành thanh tra mới chỉ là tạm tính, phương án tài chính chính thức của Dự án sẽ được Bộ GTVT hiệu chỉnh sau khi dự án hoàn thành quyết toán.

“Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh; nhà đầu tư phải khẩn trương rà soát, khắc phục những tồn tại đã nêu trong Kết luận Thanh tra và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/5/2016”, Bộ GTVT yêu cầu.

Tin bài liên quan