Dự án BOT ngành điện: Danh sách “xếp đống”, triển khai rất ít

Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa) có thể sẽ sớm được ký kết hợp đồng BOT. Một động thái có thể coi là tích cực trong bối cảnh Chính phủ đang yêu cầu rà soát kỹ tiến độ từng dự án BOT ngành điện để sớm triển khai, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nhiệt điện Mông Dương 2 sẽ hoàn thành và phát điện thương mại trong năm 2015 - Ảnh: Thanh Bình

Nhiệt điện Mông Dương 2 sẽ hoàn thành và phát điện thương mại trong năm 2015 - Ảnh: Thanh Bình

Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa) có thể sẽ được ký kết hợp đồng BOT vào quý III tới, mặc dù kỳ vọng ban đầu là việc đàm phán hợp đồng BOT đối với dự án này sẽ được hoàn tất trong tháng 5/2015.

Một nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết như vậy và khẳng định rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) không làm ảnh hưởng đến các nội dung của hợp đồng BOT đang đàm phán, song có thể khiến nhà đầu tư phải thực hiện thêm một số thủ tục hành chính.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc Nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa đang đốc thúc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có thể bàn giao cho chủ đầu tư vào cuối năm 2015.

“Phải nhanh chóng hoàn thành việc phê duyệt phương án đề bù để kết thúc công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư vào tháng 10/2015”, ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo.

Theo tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi Dự án là hơn 34,3 ha, với 350 trường hợp cần đền bù giải tỏa; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng của Dự án dự kiến khoảng 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới phê duyệt phương án đền bù cho 284 trường hợp; thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 247 trường hợp với số tiền trên 75,7 tỷ đồng. Còn lại 37 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường với lý do giá đất thấp, không có đất để sản xuất, không có điều kiện sinh sống khi đến nơi ở mới…

Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề xuất đầu tư từ năm 2006, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc Tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp - xây dựng Hà Nội (Hanoinco) triển khai xây dựng Dự án theo hình thức BOT.

Dù động thái trong hiện tại là tích cực, song Nhiệt điện Vân Phong 1 đã và đang chậm tiến độ. Kể từ thời điểm được đề xuất đến nay, 9 năm đã trôi qua, dù rất nỗ lực, song một phần do việc đàm phán ký kết hợp đồng BOT kéo dài nên Dự án chưa được triển khai.

Tuy nhiên, Nhiệt điện Vân Phong 1 không phải là dự án BOT ngành điện duy nhất bị chậm triển khai. Cho dù danh sách các dự án BOT ngành điện đang “xếp đống”, từ Samsung (Hàn Quốc) với Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3; EGATI (Thái Lan) với Nhiệt điện Quảng Trị; Toyo-Ink (Malaysia) với Nhiệt điện Sông Hậu 2; hay Nhiệt điện Nghi Sơn 2, với sự tham gia của nhà đầu tư Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc), vốn đầu tư 2,3 tỷ USD; rồi Tata Power (Ấn Độ) với Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 ở Sóc Trăng, vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD…, song các dự án đã triển khai lại thuộc diện hiếm hoi.

Thông tin được nhắc tới tại cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành liên quan đến các dự án BOT ngành điện hôm 13/4 vừa qua cho biết, hiện có 20 dự án BOT ngành điện, với tổng công suất khoảng 24.000 MW. Tuy nhiên, trong số này, mới chỉ có hai nhà máy đã đi vào vận hành là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3; Nhiệt điện Mông Dương 2 vừa vận hành tổ máy số 1 trong tháng 3/2015 và sẽ hoàn thành trong năm nay. Ngoài 2 dự án khác đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là BOT Hải Dương và Vĩnh Tân 1, đang trong quá trình triển khai, thu xếp tài chính, thì các dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn đấu thầu, hoặc nghiên cứu đầu tư...

20 dự án BOT ngành điện có nghĩa là hàng chục tỷ USD vốn đầu tư và 24.000 MW điện cho nền kinh tế. Việc chậm đưa vào triển khai các dự án này đã khiến Chính phủ sốt ruột. Chính vì thế, tại cuộc họp ngày 13/4, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương tiến hành rà soát kỹ tiến độ từng dự án để sớm triển khai, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cụ thể, đối với một số dự án đã và đang chuẩn bị, cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đạt những mốc tiến độ cụ thể ngay trong năm 2015 này.

Được biết, cùng với việc thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án BOT ngành điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và thuận lợi cho việc triển khai các dự án điện theo mô hình BOT.

Liên quan đến các dự án BOT ngành điện, vướng mắc lớn nhất là đàm phán hợp đồng BOT và giá bán điện. Tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự quan ngại khi thủ tục triển khai các BOT khá rườm rà, thường phải kéo dài 3 - 5 năm.

Tin bài liên quan