Trạm thu phí Km286+397 (Trạm Bỉm Sơn) sẽ được di dời về đúng tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa.

Trạm thu phí Km286+397 (Trạm Bỉm Sơn) sẽ được di dời về đúng tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa.

Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hóa: Tương lai đầy bất ổn

Việc không được thu phí hoàn vốn tại vị trí từng được quy định trong hợp đồng BOT sẽ đẩy Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa vào tương lai đầy bất ổn.

Lối rẽ mới

Hơn 5 tháng sau khi hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của đường vành đai phía Tây, đoạn Km0 - Km6 (tuyến tránh phía Tây) thuộc Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hóa, Công ty BOT Đường tránh Thanh Hóa vừa nhận được chỉ dẫn quan trọng liên quan đến việc thu phí hoàn vốn công trình.

Cụ thể, trong Thông báo số 164/TB - BGTVT, thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hóa vừa được phát hành đầu tuần này, người đứng đầu Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, khẩn trương tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thống nhất quyết toán dứt điểm hạng mục tuyến tránh phía Đông TP. Thanh Hóa.

Liên quan đến phương án hoàn vốn hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 (tuyến tránh phía Tây) - một trong những điểm có nguy cơ trở thành điểm nóng BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong giai đoạn trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung tuyến tránh phía Tây vào Dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hóa. Do vậy, việc cùng sử dụng trạm thu phí Km286+397 Quốc lộ 1 (trạm Bỉm Sơn) để hoàn vốn cho tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa là phù hợp.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), việc sử dụng trạm thu phí Km286+307 cách Dự án gần 40 km là không phù hợp.

“Bộ GTVT thống nhất phương án không tiếp tục sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn cho toàn bộ Dự án”, ông Thể cho biết.

Lãnh đạo Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (PMU2), nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, xác định vị trí phù hợp để di chuyển trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa thu phí hoàn vốn cho dự án; trong đó lưu ý tận dụng tối đa vật tư, thiết bị của trạm Bỉm Sơn để tiết giảm kinh phí. Bộ GTVT cho biết, sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa để bảo đảm hiệu quả tài chính Dự án.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án giám sát chặt chẽ doanh thu thu phí trong khoảng thời gian 12 tháng (kể từ thời điểm bắt đầu thu phí), để đánh giá khả năng hoàn vốn nhằm xây dựng các phương án bảo đảm hiệu quả tài chính cho Dự án”, ông Thể chỉ đạo.

Được biết, chỉ đạo mới này của Bộ trưởng Bộ GTVT có khá nhiều thay đổi, không chỉ so với hợp đồng gốc, mà còn so với phương án thu phí hoàn vốn được bộ này xin ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan hồi tháng 12/2018.

Cụ thể, tại Thông báo số 648/TB- BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại cuộc họp nghe báo cáo phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Dự án được tổ chức vào ngày 6/12/2018, Bộ GTVT đã từng cân nhắc việc cho phép nhà đầu tư tiếp tục sử dụng trạm thu phí đặt tại Bỉm Sơn để hoàn vốn cho hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa với mức phí cố định 15.000 đồng/xe con/lượt.

Nguy cơ vỡ phương án tài chính

Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hoá được triển khai từ tháng 4/2005, hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 1/2009, sử dụng trạm Bỉm Sơn, Quốc lộ 1 (trước đây là trạm Tào Xuyên) để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng BOT được ký bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của Dự án là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.

Trong quá trình thực hiện, vào tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 vào Dự án, cùng sử dụng trạm Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 9786/VPCP-KTN ngày 8/12/2014.

 Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 A đoạn tránh TP. Thanh Hóa theo hình thức BOT và đầu tư bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa (giai đoạn I) đoạn Km0 - Km6 có tổng mức đầu tư 1.836,57 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân là 1.695,55 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà nước là 141,02 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn là 10 năm 5 tháng (dự án gốc); 13 năm 8 tháng (hạng mục bổ sung).   

Theo phê duyệt ban đầu của Bộ GTVT, hạng mục Đường vành đai phía Tây (giai đoạn I), đoạn Km0 - Km6 sẽ phải hoàn thành vào ngày 30/6/2017. Tuy nhiên, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành trước ngày 28/2/2018. Hiện nay, hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành từ đầu tháng 1/2019. Trong thời gian qua, nhà đầu tư đã liên tục kiến nghị Bộ GTVT cho phép thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn để hoàn vốn cho công trình.

Được biết, tại cuộc họp hôm 6/12/2018, cả lãnh đạo Bộ GTVT, đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh Thanh Hóa đều thừa nhận đã tập trung phân tích và đánh giá phương án đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn là không khả thi.

Cụ thể, đối với dòng xe lưu thông theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện có thể lựa chọn đi theo 3 tuyến (Quốc lộ 1 qua TP. Thanh Hóa, tuyến vành đai phía Đông và tuyến vành đai phía Tây). Do vậy, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến vành đai phía Tây thì các phương tiện sẽ hầu hết sử dụng Quốc lộ 1 qua trung tâm TP. Thanh Hóa và tuyến vành đai phía Đông để lưu thông do không mất phí.

Bên cạnh đó, tuyến tránh phía Tây được đầu tư với mục tiêu chính yếu là thu hút các phương tiện từ các huyện phía Tây theo hướng Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47 đi về phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, chỉ tính trong phạm vi tuyến tránh phía Tây đã có tới 16 vị trí giao cắt, nên các phương tiện có thể sử dụng để tránh mất phí.

Ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho biết, theo kết quả tính toán của đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI, nếu đặt 1 trạm trên tuyến vành đai phía Tây thì lưu lượng qua trạm năm 2020 chỉ đạt 1.000 xe/ngày đêm và nhích lên 2.500 xe/ngày đêm vào năm 2025. Với phương án đặt thêm 16 trạm phụ tại 16 điểm giao cắt, phương án tài chính cũng không cải thiện thêm do gánh nặng giải phóng mặt bằng và mật độ trạm quá dày đặc - 17 trạm/6 km, có thể gây bức xúc cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo doanh nghiệp dự án cho biết, phương án vừa được lựa chọn không phải điều mà nhà đầu tư mong đợi. Nhà đầu tư sẽ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đối phương án hoàn vốn này và sẽ có phản hồi chính thức sau khi tham khảo ý kiến của đơn vị cho vay vốn.

Tin bài liên quan