Dự án 30 tỷ USD: Cần cơ quan chức năng vào cuộc

(ĐTCK-online) Hiếm có dự án nào mà ngay lần giới thiệu đầu tiên lại thu hút được sự chú ý của dư luận nhiều đến vậy, với câu cửa miệng hầu như là “phải thận trọng”, “cẩn thận”, “hoang đường”, “không tưởng”... như Dự án 30 tỷ USD của Eminence Group USA tại Khu kinh tế Nghi Sơn được chủ đầu tư giới thiệu cách đây 2 tuần.

Khoan hãy nói về tính khả thi của dự án, bởi trên thực tế, nhà đầu tư mới lần đầu tiên “ra mắt” công chúng với những ý tưởng nhất định. Ngoài những thông tin ban đầu khá sơ sài trong 2 trang giấy A4 dành cho các nhà báo được mời tham dự buổi thuyết trình, những thông tin cụ thể hơn về Dự án được giới thiệu trong 64 trang giấy A4 với ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh, trong đó chủ yếu nói về Dự án đầu tư Nhà máy gang thép lớn mà số lượng phát ra không quá 5 tập, cũng hoàn toàn chỉ mang tính tham khảo.

Cũng chưa thể nói gì nhiều hơn về Dự án khi nhà đầu tư chưa hề trình những hồ sơ liên quan cần phải có đối với một dự án theo con đường chính thức tới các cơ quan hữu trách, ngoài duy nhất một bức thư ngỏ không theo đường chính thức được gửi tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ ý định quan tâm tới Dự án đầu tư Nhà máy gang thép lớn và các công trình phụ trợ tại Nghi Sơn (Thanh Hoá) với quy mô vốn đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong quá khứ, chưa từng có dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn như vậy và đã từng có những dự án được cấp phép nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện hoặc thực hiện chậm so với tiến độ cam kết. Do vậy, việc dư luận quan tâm và hoài nghi về dự án do Eminence Group giới thiệu cũng là chuyện dễ hiểu.

Trong khi đang mở rộng cửa chào đón tất cả những nhà đầu tư quan tâm tới Việt Nam, muốn đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn lâu dài, thì những phân vân chính đáng của dư luận về những dự án “chưa có tiền lệ”, ít khả thi cũng cần được các cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc. Bởi vì, mặc dù nhà đầu tư chưa hề đưa ra bất cứ đề nghị nào, song các đối tác trong nước cũng đã phải tốn kém thời gian, hỗ trợ kinh phí tổ chức giới thiệu, thậm chí hỗ trợ ăn ở, đi lại cho nhà đầu tư trong thời gian tiếp cận dự án.

Sở dĩ nói thêm điều này là bởi tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư tháng 5 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, đại diện một tỉnh phía Bắc đang nằm trong tầm ngắm của một nhà đầu tư sẵn sàng chi nhiều tỷ USD cho hay, số tiền mà nhà đầu tư đã quyết định thực hiện ở địa phương mới chỉ chiếm 1 phần nghìn sự trông đợi, nhưng tỉnh cũng sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất trước những đề nghị về điều kiện nơi nghỉ “xịn” với bể bơi, sân tennis cho các thành viên của dự án khi đến làm việc với địa phương.

Quay trở lại với dự án 30 tỷ USD, nhà đầu tư có giới thiệu “điểm khởi động” là Dự án gang thép lớn mà quy mô giai đoạn đầu được triển khai trong giai đoạn 2008 - 2016, với tổng mức đầu tư là 7,8 tỷ USD, được phân làm 4 kỳ đầu tư. Kỳ thứ nhất có quy mô 2,2 tỷ USD, thực hiện trong thời gian 2 năm để sản xuất 3 triệu tấn cán nóng (trong đó có 0,8 triệu tấn cán nguội), với thiết bị đều có xuất xứ từ Nhật Bản, trừ 4 lò cao 550 m3 (xuất xứ từ Trung Quốc). Thiết bị, máy móc mà 3 kỳ đầu tư tiếp theo của giai đoạn I cũng được gạch đầu dòng chi tiết với xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển. Ngoài ra, một số vấn đề về tài chính, thị trường cũng bước đầu được trình bày ở tài liệu tham khảo này.

Để xây dựng được một thành phố công nghiệp thép hiện đại từ một vùng đất trống có quy mô lên tới 30 triệu tấn thép/năm với đầy đủ cảng biển, nhà máy điện, nhà máy xi măng, nhà máy đóng tàu, khu đô thị, hệ thống giáo dục, bệnh viện... trong vòng ba hay bốn chục năm nữa thì con số 30 tỷ USD không phải là quá sức tưởng tưởng. Vấn đề quan trọng là ai hoặc những ai sẽ đầu tư vào dự án có quy mô rất lớn đó. Vậy nên việc thẩm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như cơ chế huy động vốn của họ để đánh giá tính khả thi của dự án là hết sức cần thiết. Công việc này không dễ dàng và như Báo Đầu tư đã kiến nghị khi đưa tin về cuộc họp báo giới thiệu dự án cách đây 2 tuần là rất cần sự vào cuộc càng sớm càng tốt của các cơ quan chức năng để hỗ trợ địa phương có những bước đi phù hợp tiếp theo.