Hoạt động sản xuất suy giảm
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2023 tiếp tục xu hướng giảm, xuống 45,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong 20 tháng trở lại đây. Không ít doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản lượng sản xuất, cắt giảm nhân sự và cắt giảm hoạt động mua hàng. Điểm sáng duy nhất của báo cáo PMI tháng 5 là chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua.
Kinh tế phương Tây ảm đạm, kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy sự hồi phục như mong đợi, DSC dự báo, hoạt động sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục co hẹp trong giai đoạn quý II - III/2023. Kỳ vọng, hoạt động sản xuất cũng như nền kinh tế sẽ khởi sắc kể từ quý IV/2023, khi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm lãi suất, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng cho nhà ở xã hội được thẩm thấu và kinh tế Trung Quốc có sự hồi phục tốt hơn, giúp tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
VN-Index: Ngân hàng và chứng khoán dẫn dắt
Chỉ số VN-Index đóng cửa tuần qua tại 1.090,84 điểm, tăng 2,5% so với cuối tuần trước đó, với thanh khoản tăng 17%. Trên khung đồ thị tuần, chỉ số tạo ra một cây nến cường lực với sắc xanh sau 2 tuần đi ngang.
Đáng chú ý, chỉ số đã vượt lên và tạo “gap up” (khoảng trống giá tăng) trên đường tín hiệu dài hạn (MA 200) ở đồ thị ngày, kèm theo thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Điều này thể hiện tâm lý giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nội, với vị thế mua lên chủ động, dù khối ngoại tiếp tục bán ròng, xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Trong tháng 5 vừa qua, khối ngoại bán ròng 128 triệu USD, lớn nhất kể từ đầu năm 2023.
Về diễn biến dòng tiền, điểm sáng tuần qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong phiên cuối tuần, có 20 cổ phiếu ngân hàng tràn ngập sắc xanh, thậm chí có một số mã tăng trần ngay từ đầu phiên như NVB, VIB... Chỉ số ngành ngân hàng vượt đỉnh ngắn hạn là một tín hiệu hỗ trợ rất tốt cho đà tăng của VN-Index.
Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đã vượt lên mẫu hình tam giác tích lũy, tiếp diễn xu hướng tăng điểm phía sau, kỳ vọng hướng lên ngưỡng 1.120 điểm. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu có trong danh mục, sẵn sàng mua thêm tại các điểm điều chỉnh của nhóm đang dẫn dắt dòng tiền như ngân hàng, chứng khoán.
Nhóm đầu tư công cũng đáng chú ý
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tháng 5/2023 được thúc đẩy so với những tháng trước, dự báo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Một trong những nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công là xây dựng hạ tầng, nhờ các dự án quy mô lớn trong giai đoạn 2022 - 2026 như Sân bay Long Thành (giai đoạn 1), Cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2), Đường vành đai 3 (TP.HCM), Đường vành đai 4 (Hà Nội)…
Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn thực hiện, thi công các dự án. Trong đó, dự án Vành đai 3 (tuyến TP.HCM - Đồng Nai) dự kiến khởi công cuối tháng 6/2023, đây có thể sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp chuyên thi công dự án đường sá như VCG, HHV, LCG.
Thực tế, cách hạch toán của nhóm doanh nghiệp xây dựng có thể khiến nhóm này tạm thời chưa thể ghi nhận lợi nhuận từ các dự án mới trong giai đoạn giữa năm. Trong khi đó, đà tăng giá của nhóm cổ phiếu này đã kéo dài 5 - 6 tháng, đẩy mức định giá lên cao, gây rủi ro ngắn hạn cho các vị thế mua mới. Dựa trên luận điểm định giá, nhà đầu tư không nên mua đuổi nhóm cổ phiếu đầu tư công, mà chờ nhịp điều chỉnh để có vị thế tốt trong trung và dài hạn. Một số mã đáng quan tâm là VCG, HHV, LCG.