DRH dùng nguồn vốn nào để tăng tỷ lệ sở hữu KSB lên 51%?

DRH dùng nguồn vốn nào để tăng tỷ lệ sở hữu KSB lên 51%?

(ĐTCK) Ngoại trừ khoản vốn lưu động được bổ sung hơn 76 tỷ đồng từ đợt phát hành thêm, số tiền cần thêm để mua cổ phiếu KSB, nâng tỷ lệ sở hữu lên tối thiểu 51% là 370 tỷ đồng, khá lớn so với vốn điều lệ hiện tại của công ty là 490 tỷ đồng. Theo đó, vấn đề nguồn vốn để DRH nâng sở hữu tại KSB là một dấu hỏi.

ĐHCĐ bất thường CTCP Đầu tư căn nhà Mơ ước - Dreamhouse (mã CK: DRH) diễn ra chiều nay (22/9) đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Xây dựng và khoáng sản Bình Dương (KSB) lên tối thiểu 51%, dự kiến thực hiện ngay trong năm 2016. Hiện DRH đang sở hữu hơn 5,2 triệu cổ phần, tương đương 22,3% vốn tại KSB.

Ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH cho biết, khoản đầu tư vào KSB mang lại hiệu quả tốt. Trong 6 tháng đầu năm, DRH đã nhận được khoản cổ tức bằng tiền mặt từ KSB, hiện đang hạch toán trong hạng mục giảm giá vốn đầu tư. Dự kiến, trong quý cuối năm, sau khi gia tăng tỷ lệ sở hữu ít nhất 51% tại KSB, công ty sẽ ghi nhận phần cổ tức nhận thêm trong mục doanh thu tài chính.

Theo ông Đạt, tính đến thời điểm này, KSB đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 144 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, KSB hoàn toàn có thể ghi nhận 200 tỷ đồng lợi nhuận chỉ từ hoạt động kinh doanh chính, chưa bao gồm khoản lợi nhuận bất thường từ bán khu dân cư Bình Đức Tiến, con số lợi nhuận này sẽ cao hơn khi công ty tiến hành nâng công suất tại các mỏ đá.

Hiện công suất tại mỏ Tân Mỹ theo giấy phép được cấp là 1,5 triệu tấn/năm, chỉ mới khai thác 800.000 tấn/năm; mỏ Phước Vĩnh được cấp phép 1,2 triệu tấn/năm, cũng chỉ mới khai thác 700.000 tấn/năm. Để tăng công suất, đương nhiên KSB sẽ phải đầu tư thêm nhưng khoản đầu tư này không lớn, hiện đã đầu tư 50 tỷ đồng để tăng công suất tại hai mỏ này.

Ông Đạt cho biết, nếu KSB không có nhu cầu đầu tư thêm, cổ tức dự kiến năm nay KSB có thể chi trả tỷ lệ đến 40-50%.

Đối với kế hoạch chi tiết để nâng sở hữu, DRH mong muốn không phải chào mua công khai, theo đó, sau khi ĐHCĐ bất thường thông qua, DRH sẽ có đề nghị với HĐQT KSB (có thể lấy ý kiến cổ đông KSB bằng văn bản) về việc chấp thuận DRH tăng tỷ lệ sở hữu trên 25% mà không phải chào mua công khai. Trường hợp cổ đông KSB không đồng ý, DRH sẽ tiến hành đăng ký mua cổ phiếu KSB theo quy định. Mức giá dự kiến mua KSB, DRH cũng kỳ vọng sẽ không cao hơn so với mức giá mà KSB mua cổ phiếu quỹ.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư KSB vào ngày 19/8 vừa qua, đại diện KSB cũng cho biết kế hoạch sẽ mua 1 triệu cổ phiếu quỹ, với mức giá không quá 68.000 đồng/cp. Tại thời điểm đó, thị giá cổ phiếu KSB khoảng 66.500 đồng/cp. Đóng cửa phiên 22/9, thị giá KSB đang là 74.900 đồng/cp.

Mới đây, KSB cũng chính thức công bố thông tin về việc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu quỹ nhằm ổn định thanh khoản và gia tăng giá trị cổ phiếu cho cổ đông, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, tuy nhiên mức giá mua không công bố chi tiết trong công bố này.

Một cổ đông chất vấn, để nâng tỷ lệ sở hữu tại KSB lên tối thiểu 51% với mức giá quanh mốc 68.000 đồng/cp thì ước tính DRH cần hơn 450 tỷ đồng để thực hiện. Ngoại trừ khoản vốn lưu động được bổ sung hơn 76 tỷ đồng từ đợt phát hành thêm, số tiền cần thêm là 370 tỷ đồng, khá lớn so với vốn điều lệ hiện tại của công ty là 490 tỷ đồng. Theo đó, vấn đề nguồn vốn để DRH nâng sở hữu tại KSB là một dấu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Đạt cho biết, nếu ĐHCĐ thông qua, HĐQT và Ban điều hành DRH sẽ thu xếp nguồn vốn phù hợp để khoản đầu tư này hiệu quả và khẳng định không sử dụng nguồn vốn đã phân bổ đầu tư dự án để thực hiện việc mua cổ phiếu KSB.

Công ty còn có nguồn thu khá ổn từ việc thanh lý các dự án, thoái vốn tại các công ty liên kết. Ngoài ra, DRH cũng có thể huy động vốn thông qua cổ đông, phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, quan điểm của HĐQT khi đầu tư vào KSB là đầu tư dài hạn, chủ yếu bằng vốn tự có, hạn chế tối đa việc vay mượn, sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Ngoài nội dung gia tăng đầu tư vào KSB, HĐQT DRH cũng có tờ trình về việc bổ sung mở rộng mục đích sử dụng vốn; miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT. Cụ thể, về tờ trình bổ sung mở rộng mục đích sử dụng vốn, theo phương án sử dụng vốn cũ, nguồn vốn huy động được từ đợt phát hành thêm sẽ được bổ sung vốn đầu tư cho một số dự án (110 tỷ đồng cho dự án 1177 Huỳnh Tấn Phát và 150 tỷ đồng dự án Khu du lịch Lộc An) và bổ sung 76,6 tỷ đồng vốn lưu động (nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh phân bón). Tuy vậy, với định hướng cốt lõi là kinh doanh bất động sản, Công ty quyết định rút khỏi mảng kinh doanh phân bón do không còn hiệu quả và không phù hợp với chiến lược sắp tới. Theo đó, HĐQT để nghị bổ sung mục đích sử dụng vốn lưu động cho những hoạt động kinh doanh khác (đầu tư tài chính, đầu tư dự án khác…).

Mặt khác, nguồn vốn huy động được theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015 sẽ được phân bổ để nhận chuyển nhượng 2 dự án trên, nhưng do quá trình chuyển nhượng dự án diễn ra phức tạp kéo dài do các văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật kinh doanh Bất động sản mới chưa ban hành đã làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án của công ty. Trong khi đó, mỗi công ty là Địa ốc An Phú Long và CTCP khai thác du lịch Phương Trang chỉ sở hữu duy nhất một dự án. Để thuận tiện triển khai dự án, HĐQT DRH trình ĐHCĐ bất thường thông qua việc đầu tư dự án bằng một trong hai hình thức: nhận chuyển nhượng dự án hoặc nhận chuyển nhượng 99,95% cổ phần hai công ty là chủ đầu tư dự án trên.

ĐHCĐ bất thường cũng thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là bà Võ Diệp Cẩm Vân và ông Nguyễn Trung Kiên (đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân). Đồng thời, ĐHCĐ bất thường cũng tiến hành bầu bổ sung ông Lại Quốc Khánh (hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng Tín Hưng) và ông Lê Chí Hùng Việt (hiện là Phó Tổng giám đốc DRH) vào HĐQT.

Đối với hoạt động kinh doanh của DRH trong 9 tháng đầu năm 2016, ước lãi lũy kế 24 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, DRH đã gần hoàn tất việc tái cơ cấu các công ty liên kết, chỉ còn giữ lại Công ty Dreamhouse Cửu Long và Dreamhouse Đông Nam (đang triển khai 2 dự án Phú Quốc và Nhơn Trạch). Đồng thời, Công ty tập trung cho chiến lược mũi nhọn, đầu tư vào một số ngành nghề mang lại tăng trưởng cho công ty. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu lớn nhất của DRH không đến từ các dự án mà từ bán thanh lý dự án cũ, nhỏ.

Các dự án bất động sản do công ty triển khai, bao gồm Dự án D-vela (1177 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP. HCM) là dự án tiêu điểm trong 2016 của DRH. Hiện dự án đã tung ra thị trường, nhận đặt chỗ từ 15/9. Dự kiến bàn giao căn hộ vào cuối quý 1/2018. Tổng doanh thu dự án ước tính gần 500 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn 17,5%.

Dự án Bến Bình Đông đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Quy mô khoảng 410 căn hộ. Dự kiến thi công cọc thử trong tháng 11/2016. Đăng ký nhận đặt bán trong tháng 12/2016, và dự án bàn giao căn hộ trong tháng quý 3 năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn 18%.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An dự kiến triển khai xây dựng hạ tầng toàn khu và bàn giao nền trong quý II - III năm 2017. Doanh thu lý tưởng 1.300 tỷ đồng (chưa tính doanh thu từ khách sạn). Dự án Khu dân cư Dreamhouse City, Nhơn Trạch, Đồng Nai dự kiến bàn giao nền GD1 tháng 2/2018 và Dự án Khu dân cư giải trí Suối Lớn, Phú Quốc khởi công xây dựng 7/2017.

Ông Đạt cho biết, tất cả các dự án của DRH đều đặt mục tiêu phải có suất sinh lợi tối thiểu 15%.

Tin bài liên quan