Theo thông tin từ DCVFM, Quỹ hưu trí bao gồm Quỹ Thịnh An, Quỹ Phúc An, Quỹ Vĩnh Nguyên là các quỹ tài chính thuộc Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện do DCVFM cung cấp, để thực hiện Chương trình hưu trí, được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia và người lao động.
Chiến lược đầu tư của 3 quỹ có sự khác nhau, Quỹ Vĩnh Nguyên với chiến lược đầu tư thận trọng để bảo toàn vốn đầu tư. Đầu tư vào các tài sản an toàn có lợi nhuận thấp.
Quỹ Phúc An có chiến lược đầu tư hướng tới sự cân bằng giữa lợi nhuận cao và rủi ro thông qua việc đa dạng các khoản đầu tư.
Còn Quỹ Thịnh An đầu tư vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn để có được lợi nhuận cao. Đầu tư vào tài sản tăng trưởng.
Cơ cấu đầu tư cũng tương ứng với chiến lược của mỗi quỹ. Cụ thể, Quỹ Vĩnh Nguyên tối thiểu 80% tổng tài sản vào trái phiếu chính phủ hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư trái phiếu. Tối đa 20% tổng tài sản vào chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư cổ phiếu.
Quỹ Phúc An, tỷ lệ tương ứng là 65% và 35%. Còn Quỹ Thịnh An, tỷ lệ là 50%-50%.
Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng được duy trì phù hợp cho hoạt động đầu tư của mỗi quỹ.
Cơ cấu danh mục đầu tư của Quỹ phải đảm bảo tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.
Quỹ hưu trí không được gửi tiền tại người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều, 4 Luật doanh nghiệp.
Đầu tư không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ của một quỹ đầu tư chứng khoán.
Theo DCVFM, mức chi trả lương hưu từ quỹ Bảo hiểm Xã hội hiện chỉ tương đương 45% thu nhập bình quân trong 5 năm làm việc gần nhất trước thời điểm nghỉ hưu. Trong khi đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, người lao động cần mức thu nhập hưu trí bằng 70% - 75% so với thu nhập bình quân 5 năm gần nhất trước khi nghỉ hưu để tận hưởng tuổi hưu an nhàn.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch điều hành, đồng sáng lập Dragon Capital VietFund Management cho biết, các đơn vị bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam gần đây đạt thành công nhất định trong bán sản phẩm tiết kiệm nhưng họ đầu tư gần như hoàn toàn vào trái phiếu chính phủ.
Trong khi đó, Việt Nam có hơn 55 triệu người trong độ tuổi lao động và 13,2 triệu người tham gia kế hoạch bảo hiểm xã hội nhà nước. Dự báo cho thấy, 20% dân số Việt Nam đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2030, con số này là 30% vào năm 2050. Trên thế giới, nhiều quỹ hưu trí chính phủ chịu áp lực khi sự hỗ trợ (tỷ lệ người lao động so với người nhận lương hưu) giảm. Nhận thức được vấn đề, năm 2014, Việt Nam triển khai Luật Bảo hiểm xã hội nhằm chủ động đối phó sớm với nguy cơ mất cân bằng này.