Theo đó, DPM cùng đối tác UBE và Sojitz sẽ tiến hành nghiên cứu tiền khả thi Dự án sản xuất Amoniac (NH3) tại khu vực Đông Nam Bộ, với công suất dự kiến 450.000 - 600.000 tấn/năm và khả năng chế biến các dẫn xuất từ NH3, CO2… Nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký. Nhà máy trước hết sẽ đáp ứng nhu cầu NH3 ngày càng tăng để sản xuất các sản phẩm ngoài urê như phân DAP, AS, cao su và các sản phẩm hóa dầu.
Kinh nghiệm vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong đó có Xưởng NH3 là một lợi thế lớn của DPM trong việc tham gia đầu tư xây dựng Nhà máy NH3 có công suất tương tự, đặc biệt với sự hợp tác của các đối tác lớn trong ngành sản xuất và kinh doanh hóa chất.
Được biết, UBE hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó chuyên sâu về hóa chất, là nhà tiêu thụ NH3 và sản xuất caprolactam (tiền chất của Nylon) hàng đầu của Nhật Bản. Hiện tại, UBE có nhà máy sản xuất NH3 và Caprolactam tại Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thái Lan. Vì vậy, UBE tham gia Dự án sản xuất Amoniac với vai trò vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà bao tiêu sản sản phẩm trong tương lai.
Sojitz là tập đoàn đa ngành, trong đó có sản xuất và buôn bán hóa chất, thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu. Sojitz đang hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu một số dự án chế biến khí, đặc biệt là dự án sử dụng khí từ mỏ Cá voi xanh để sản xuất Methanol và các dẫn xuất.