Theo báo cáo tài chính quý III/2023 vừa công bố, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 3.215,6 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận đạt 10.187,4 tỷ đồng, bằng 69,2% so với cùng kỳ.
Lý giải lợi nhuận biến động trong quý III, Đạm Phú Mỹ cho biết trong kỳ giá bán mặt hàng phân bón và hoá chất giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán Ure giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59%), đồng thời giá khí tăng cao dẫn tới lợi nhuận điều chỉnh so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường phân bón, giá bán giảm mạnh, giá đầu vào lại tăng mạnh, không tránh khỏi lợi nhuận gộp của công ty phân bón sụt giảm. Lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ chỉ ghi nhận 407,9 tỷ đồng trong quý III, bằng 27,4% so với cùng kỳ .
Để đạt được kết quả lợi nhuận này trong bối cảnh khó khăn, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện tiết giảm các chi phí trong kỳ. Trong đó, nổi bật là giảm chi phí tài chính 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,37 tỷ đồng, về 16,26 tỷ đồng; giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 3,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 13,71 tỷ đồng, về 346 tỷ đồng…
Theo giới phân tích, nếu không có kinh nghiệm quản trị và thực hiện nhiều biện pháp quản trị rủi ro, tiết giảm chi phí, các công ty ngành phân bón sẽ lỗ đậm trong quý III vừa qua.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Đạm Phú Mỹ tiếp tục duy trì dương, tạo ra 937,1 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 5.019,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 962,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 2.797,4 tỷ đồng, chủ yếu trả cổ tức cho cổ đông và giảm dư nợ vay so với đầu năm.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ điều chỉnh giảm 19,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 3.423,3 tỷ đồng, về 14.275,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn sở hữu 7.287 tỷ đồng, chiếm 51% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 3.036,1 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.204,6 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 8,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 60 tỷ đồng, về 647,1 tỷ đồng và chiếm 4,5% tổng nguồn vốn.
Theo dữ liệu trên Trading Economics, giá Ure có dấu hiệu chạm đáy cuối tháng 5 và đang có xu hướng tăng trở lại. Trong đó, thống kê từ ngày 31/5/2023 đến ngày 24/10, giá Ure đã tăng 41,5% so với cùng kỳ, từ 292,5 USD/tấn, lên 414 USD/tấn.
Diễn biến giá Ure bắt đầu hồi phục từ cuối tháng 5/2023 tới nay |
Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hoá cho biết, giá Ure có dấu hiệu bật tăng trở lại do lo ngại ngày càng tăng rằng xung đột Israel-Hamas có thể lan sang các nước Trung Đông khác, bao gồm cả Iran, một nhà sản xuất urê lớn. Ngoài ra, Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu do giá trong nước tăng cao, điều này dẫn tới lo ngại nguồn cung Ure suy giảm và đẩy giá mặt hàng này hồi phục.
Về diễn biến giá cổ phiếu, tạm tính tới cuối phiên giao dịch ngày 26/10, cổ phiếu DPM đứng tại mức giá 31.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá hơn 12.366 tỷ đồng.