DPM: cổ tức 25% vẫn khả thi dù giá khí đầu vào tăng

DPM: cổ tức 25% vẫn khả thi dù giá khí đầu vào tăng

(ĐTCK) Giá khí đầu vào tăng 12,5% sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận, các dự án đầu tư lớn đang triển khai có đủ hấp dẫn đưa Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã chứng khoán DPM) trở lại là doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cao như các năm trước? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc DPM. 

Theo cách tính giá khí mới từ 1/4/2014, giá khí bán cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ được tính theo công thức bằng 46% giá dầu FO tại thị trường Singapore cộng với phí vận hành, vận chuyển, tương đương mức tăng khoảng 12,5% so với trước. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của DPM như thế nào?

Đương nhiên giá khí tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của DPM, vì khí chiếm 70% giá thành Đạm Phú Mỹ. Theo công thức mới này, DPM đang mua khí với giá 7,5 USD/MMBTU. Nếu giá khí cứ tăng 1 USD/MMBTU thì DPM tăng chi phí đầu vào 400 tỷ đồng, tương ứng giảm lợi nhuận 400 tỷ đồng. Với mức tăng 12,5% giá khí đầu vào, tương ứng tăng 8,4% chi phí giá thành làm lợi nhuận cũng giảm tương ứng.

Như vậy, DPM đứng trước rủi ro biến động giá đầu vào mỗi năm. Làm thế nào để hạn chế rủi ro này, thưa ông?

Đúng là với công thức mới thì giá khí sẽ tăng giảm theo giá dầu và khó đoán định. Nhưng biểu đồ giá dầu FO và giá urê khá tương đồng, giá khí tăng thì giá urê cũng tăng, nên vẫn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận. Về yếu tố chủ quan, thị trường urê có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ 2 năm nay, khi nhà máy Ninh Bình và Cà Mau đi vào hoạt động, nhưng DPM vẫn giữ vững thị phần với 25% ở miền Bắc, 70 - 75% ở miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, 35% tại Tây Nam Bộ.

Tính chung cả nước, DPM chiếm 40% thị phần phân đạm. Nhà máy luôn vận hành hơn 100% công suất và toàn bộ sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ một cách hiệu quả.

DPM có xin điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2014 không và cam kết trả cổ tức 25% bằng tiền mặt có còn khả thi?

Chúng tôi đang xin ý kiến cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc điều chỉnh kế hoạch 2014. Con số 1.384 tỷ đồng lợi nhuận đã được ĐHCĐ thông qua là con số xây dựng khá sát trên giá khí cũ nên đương nhiên, về mặt số học thì tăng chi phí bao nhiêu tương ứng giảm lợi nhuận bấy nhiêu. Nhưng nhiều khả năng PVN sẽ giao cho chúng tôi một kế hoạch để phấn đấu. Mặt khác, Tổng công ty đã áp dụng hàng loạt biện pháp giảm chi phí như: ban hành định mức sản xuất; thực hiện thưởng phạt thực hiện định mức; thực hiện các sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp giảm giá thành…

Với nỗ lực phấn đấu của Tổng công ty, tôi hy vọng, lợi nhuận thực hiện trên thực tế giảm thấp hơn con số tăng chi phí đầu vào và dù khó khăn đến đâu, Ban điều hành cũng cố gắng thực hiện đúng cam kết là lợi nhuận sẽ đủ để trả cổ tức tối thiểu ở mức 25% mệnh giá cho năm 2014.

Nhưng kết quả 660 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của DPM vẫn khả quan?

Không thể căn cứ vào kết quả 6 tháng đầu năm để kỳ vọng thực hiện cả năm cũng cao như vậy. Do yếu tố mùa vụ nên tỷ trọng lợi nhuận của nửa đầu năm luôn lớn hơn 50% so với lợi nhuận của cả năm. Giá khí mới cũng chỉ mới áp dụng từ quý II. Thêm vào đó, thực hiện kiểm soát tải trọng đường bộ làm tăng chi phí vận tải đường bộ, sau đó đến đường sông và đường biển cũng làm ảnh hưởng đến chi phí của Tổng công ty. Lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ cố gắng để tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện mới.

Giá phân urê trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm và cung vượt cầu, đó có phải là “nhân tố nguy hiểm” cho DPM?

Đúng là so với mức đỉnh 500 USD/tấn năm 2012 thì hiện nay giá urê trên thế giới có chiều hướng đi xuống. Vấn đề là giảm ở mức độ nào và trong bao lâu. Nếu giá thế giới duy trì ở mức 350 USD/tấn FOB thì ngành sản xuất phân bón vẫn có tỷ lệ lợi nhuận chấp nhận được.

Khi giá khí tăng, nhiều ý kiến cho rằng, DPM không còn là cổ phiếu tăng trưởng. Ông bình luận gì về nhận định này?

Sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một con người, có lúc thăng lúc trầm giống như biểu đồ hình sin. Tuy nhiên, quan trọng là hình sin đi lên hay đi xuống. DPM hiện đang chững lại, nhưng chững lại để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với hình sin đi lên. Đến cuối năm 2016, đầu năm 2017, việc hoàn thành các dự án đang đầu tư sẽ đưa DPM lên nấc thang tăng trưởng mới.

Ông có thể cho biết tiềm năng của dự án NH3 - NPK và UFC 85 mà Tổng công ty đang đầu tư?

Khi hai dự án mới này đi vào hoạt động sẽ đóng góp doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu hơn 300.000 tấn NH3 và 500.000 tấn NPK chất lượng cao, trong khi nhà máy của chúng tôi khi đi vào hoạt động cũng chỉ cung ứng cho thị trường 45.000 tấn NH3 và 250.000 tấn NPK chất lượng cao.

Tin bài liên quan