Phố Wall lình xình trong 2 phiên cuối tuần do tác động kết quả kinh doanh trái chiều - Ảnh: Reuters

Phố Wall lình xình trong 2 phiên cuối tuần do tác động kết quả kinh doanh trái chiều - Ảnh: Reuters

Dow Jones phục hồi

(ĐTCK) Sau khi giảm điểm ngày thứ Năm do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh kém khả quan của các ngân hàng, Dow Joness đã hồi trở lại trong phiên cuối tuần.
 

Dow Jones đi ngược lại với xu hướng chung của Phố vWall nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu American Express và Visa khi cả 2 báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Trong khi đó, S&P500 tiếp tục giảm điểm và Nasdaq cũng chung số phận, bởi ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh nghèo nàn của 2 đại gia công nghệ Intel và General Electric.

Cổ phiếu Intel giảm 2,6%, xuống 25,85 USD/cổ phiếu sau khi đại gia sản xuất chip này đưa ra mức dự báo tăng trưởng doanh thu âm trong quý đầu tiên của tháng 1. Trong khi General Electric giảm 2,3%, xuống 26,58 USD/cổ phiếu khi báo cáo kết quả kinh doanh 2013 thất vọng.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 41,55 điểm (+0,25%), lên 16.458,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,19 điểm (-0,39%), xuống 1.838,70 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 21,11 điểm (-0,5%), xuống 4.197,58 điểm.

Tính trong tuần, Dow Jones tăng 0,13%, S&P500 giảm 0,2% và chỉ số Nasdaq tăng 0,55%. Còn tính từ đầu năm tới nay, chỉ số Dow Jones giảm 0,7%, chỉ số S&P500 giảm 0,5%, trong khi Nasdaq tăng 0,5%.

Trong tuần tới, sẽ có hơn 60 công ty công bố kết quả kinh doanh, trong đó hơn 6 doanh nghiệp thuộc thành phần của Dow Jones. Đây sẽ là thông tin đáng chú ý nhất, ảnh hưởng đến Phố Wall trong tuần giao dịch tới, ngoài dữ liệu doanh số bán nhà được công bố vào thứ Năm.

Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi dữ liệu kinh tế toàn cầu có tín hiệu tích cực, giúp cổ phiếu của các tập đoàn khai thác mỏ tăng mạnh.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,88 điểm (+0,20%), lên 6.829,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 25,25 điểm (+0,26%), lên 9.742,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,23 điểm (+0,19%), lên 4.327,50 điểm.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Thomson Reuters, dòng tiền đầu tư từ Mỹ đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán châu Âu trong tuần qua cho thấy, sự hấp dẫn và khả năng sinh lời lớn của thị trường này trong mắt nhà đầu tư Mỹ. Yếu tố này cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong tuần qua và chỉ điều chỉnh nhẹ một phiên do ảnh hưởng của dữ liệu bán lẻ giảm ngày thứ Năm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Hồng Kông vẫn còn duy trì sắc xanh, còn lại chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc vẫn duy trì trong sắc đỏ. Tuy nhiên, phiên cuối tuần cũng ghi nhận sự nỗ lực của chứng khoán Nhật Bản khi giảm thiếu tới mức thấp nhất thiệt hại vào nửa cuối phiên, thậm chí có lúc đã xuất hiện sắc xanh.

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục được vào nửa cuối phiên cuối tuần là nhờ kết quả kinh doanh của Mitsubishi Motors Corp, giúp cổ phiếu của tập đoàn này tăng 10%, hỗ trợ cho chứng khoán Nhật.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 12,74 điểm (-0,08%), xuống 15.734,46 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 146,94 điểm (+0,64%), lên 23.133,35 điểm. Chỉ số Shang hai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 18,75 điểm (-0,93%), xuống 2.004,95 điểm.

Trong khi đó, vàng đã có phiên hồi phục ấn tượng, xua tan những nghi ngờ về khả năng giảm sâu của kim loại quý này mà nhiều dự báo trước đó đưa ra.

Giá vàng được hưởng lợi khi chứng khoán lình xình, khiến dòng tiền tìm kiếm đến kênh đầu tư khác như vàng để thử vận may.

Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 11,4 USD (+0,92%), lên 1.254,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 11,7 USD (+0,94%), lên 1.251,9 USD/ounce.

Giá dầu cũng giảm nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp. Trong phiên cuối tuần, giá dầu thô trên thị trường New York giảm 0,22 USD (-0,23%), xuống 93,75 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0,07 USD (-0,07%), xuống 107,13 USD/thùng.

Tin bài liên quan