Chiến thắng của ông Trump với chính sách tranh cử đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa trong lĩnh vực y tế và ngân hàng đã khiến giới đầu tư đánh cược vào sự khởi sắc của các ngành này trong thời gian tới, nên mạnh dạn mua cổ phiếu, giúp phố Wall liên tiếp tăng điểm, không như lo ngại trước cuộc bầu cử.
Chỉ số S&P tài chính đã có mức tăng 8% trong 3 phiên vừa qua, mức tăng mạnh chưa từng có kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Trong khi đó, chỉ số S&P công nghiệp cũng có mức tăng 5% và y tế tăng 3% kể từ sau cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cùng như việc giá dầu thô và giá kim loại quý giảm mạnh đã khiến đà tăng của phố Wall hạ nhiệt bớt, trong đó S&P 500 đảo chiều đóng cửa trong săc đỏ.
Phát biểu cuối tuần qua, ông Stanley Fischer, Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế đã đủ mạnh để tăng dần lãi suất. Tuy nhiên, Fed vẫn đang theo dõi lãi suất trái chiếu chính phủ dài hạn.
Dù hạ nhiệt, nhưng phiên tăng điểm trong ngày cuối tuần qua đã giúp chỉ số Dow Jones lên mức kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Dow tăng 39,78 điểm (+0,21%), lên 18.847,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,03 điểm (-0,14%), xuống 2.164,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,32 điểm (+0,54%), lên 5.237,11 điểm.
Như vậy, với những phản ứng tích cực bất ngờ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, phố Wall đã có tuần hồi phục mạnh mẽ, trong đó chỉ số S&P 500 và Nasdaq chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 5,36% - tuần tăng tốt nhất kể từ năm 2011, chỉ số S&P 500 tăng 3,80% và chỉ số Nasdaq tăng 3,78%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong phiên cuối tuần qua, ngoại trừ chứng khoán Đức duy trì được mức tăng nhẹ, còn lại chứng khoán Anh và Pháp giảm mạnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu hàng hóa và năng lượng khi giá kim loại và dầu thô lao dốc.
Kết thúc phiên 11/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 97,55 điểm (-1,43%), xuống 6.730,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,83 (+0,36%), lên 10.667,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 41,68 điểm (-0,92%), xuống 4.489,27 điểm.
Tương tự phố Wall, phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giúp chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,56%, chỉ số DAX tăng 3,98% và chỉ số CAC 40 tăng 2,55%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phản ứng tích cực theo chứng khoán Âu, Mỹ sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chứng khoán Nhật Bản cũng tăng mạnh, lên mức cao nhất gần 9 tháng trong phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau đó xuất hiện may, khiến chỉ số Nikkei 225 đảo chiều và chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt khi chốt tuần.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất 3 tháng nhà đầu tư bán ra chuẩn bị tinh thần cho dữ liệu kinh tế được công bố sau đó với dự báo khá tiêu cực. Cụ thể, theo thăm dò của Reuters, GDP trong quý III của Hồng Kông dự báo giảm 0,3% so với quý trước do xuất khẩu yếu, doanh số bán lẻ chậm chạp và khách du lịch cũng giảm.
Tuy nhiên, đà giảm của chứng khoán Hồng Kông cũng được hãm bớt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, giống như những đồng nghiệp trên sàn chứng khoán Trung Quốc đại lục khi nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi từ cam kết đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump.
Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vật liệu và cơ sở hạ tầng, cũng như đồng nhân dân tệ giảm, chứng khoán Trung Quốc tăng khá trong phiên cuối tuần qua để tiếp tục lên mức cao nhất 10 tháng.
Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 30,37 điểm (+0,18%), lên 17.374,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 308,02 điểm (-1,35%), xuống 22.531,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,60 điểm (+0,78%), lên 3.195,88 điểm.
Phiên lao dốc cuối tuần đã khiến chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có tuần giảm điểm, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục tốt sau khi mất hơn 3% tuần trước và chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,78%, chỉ số Hang Seng tiếp tục giảm 0,49%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,27%.
Trong khi Dow Jones lên mức kỷ lục mới, thì giá vàng kết thúc tuần giao dịch lịch sử với phiên lao dốc mạnh cuối tuần qua để xuống mức thấp nhất 5 tháng. Kể từ mức cao nhất 1.338,3 hôm thứ Tư, giá vàng đã giảm tới 110 USD/ounce, tương đương hơn 8,2% chỉ trong 3 ngày cuối tuần sau khi giới đầu tư có phản ứng tích cực với việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, trái ngược với những dự báo trước đó.
Trong cuộc tham dò tuần trước, hầu hết giới phân tích và nhà đầu tư đều cho rằng, giá vàng sẽ tăng trong tuần qua bất kể ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ (với dự báo là bà Hillary Clinton), thậm chí đà tăng sẽ còn lớn hơn nếu ông Trump thắng cử, bởi nhiều người cho rằng, ông Trump thắng cử có thể tạo ra cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính như sự kiện Brexit và vàng là điểm trú ẩn được tìm đến. Với dự đoán trên, giá vàng đã có 2 tuần tăng điểm tích cực trước kỳ bầu cử. Tuy nhiên, mọi thứ đã quay ngoắt 180 độ khi ông Trump chính thức đắc cử.
Kết thúc phiên 11/11, giá vàng giao ngay giảm 31,0 USD (-2,46%), xuống 1.227,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 39,0 USD (-3,08%), xuống 1.227,4 USD/ounce.
Trái ngược với chứng khoán, cũng như dự đoán của giới phân tích, giá vàng đã có tuần giảm mạnh và phiên lao dốc cuối tuần qua càng làm tăng thêm sự tồi tệ của giá vàng trong tuần qua và đánh dấu chấm hết cho 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 5,86% và giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 5,96%. Mức giảm trong tuần qua mạnh hơn nhiều so với mức tăng của 2 tuần trước đó cộng lại.
Với những diễn biến vừa qua, cả giới phân tích và nhà đầu tư đã có cái nhìn thận trọng hơn về giá vàng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 18 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 9 người, chiếm 50% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 65% của tuần trước, trong khi dự báo giá vàng giảm cũng tương đương với 8 người, chiếm 44%, cao hơn nhiều con số 18% của tuần trước và chỉ có 1 người dự báo giá vàng sẽ đi ngàng, chiếm 6%.
Tương tự, trong số 803 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 414 người, chiếm 52% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều so với 72% của tuần trước đó, trong khi có 292 người, chiếm 36% dự báo giảm, cao hơn con số 20% của tuần trước và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 97 người, chiếm 12%.
Cũng như giá vàng, giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần sau khi nhận thông tin tiêu cực. Cụ thể, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, sản lượng của khối này trong tháng 10 tăng 240.000 thùng mỗi ngày so với tháng 9, lên mức 33,64 triệu thùng/ngày. OPEC sẽ có cuộc họp vào cuối tháng để bàn về việc cắt giảm sản lượng, nhưng giới đầu tư nghi ngờ về khả năng một thỏa thuận có thể đạt được khi sự bất đồng vẫn còn tồn tại giữa các thành viên, nhất là giữa Iran và Ả Rập Xê út.
Kết thúc phiên 11/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,25 USD/thùng (-2,88%), xuống 43,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,09 USD (-2,44%), xuống 44,75 USD/thùng.
Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy hết những gì đã có trước đó, khiến giá dầu thô có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,5%, giá dầu thô Brent cũng 1,82%. Như vậy, trong 3 tuần vừa qua, giá dầu thô Mỹ đã giảm tới 14,29%, giá dầu thô Brent giảm 14,44%.