Trong phiên giao dịch thứ Năm, phố Wall có sặ trái chiều, trong khi Dow Jones có phiên tăng thứ 3 liên tiếp để thiết lập đỉnh cao lịch sử nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn như Boeing, 3M và Goldman Sachs. Trong khi đó, việc cổ phiếu Facebook giảm 2% lo lắng về chi tiêu của mạng xã hội này đã ảnh hưởng tiêu cực tới S&P 500 và Nasdaq, khiến 2 chỉ số này đóng cửa gần như không thay đổi, trong đó S&P 500 có mức tăng rất nhẹ, còn Nasdaq giảm nhẹ.
Một thông tin đáng chú ý với giới phân tích là kết quả cuộc họp của Fed. Tuy nhiên, giống như dự đoán, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc ngày thứ Tư. Tuy nhiên, vẫn còn một cuộc họp nữa vào tháng 12 để cơ quan này có quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm hay không.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow Jones tăng 81,25 điểm (+0,35%), lên 23.516,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,49 điểm (+0,02%), lên 2.579,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,59 điểm (-0,02%), xuống 6.714,94 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, đồng bảng Anh giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Anh lần đầu tiên tăng lãi suất sau 10 năm đã hỗ trợ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu của nước này, giúp chỉ số FTSE 100 tăng mạnh. Trong khi đó, chứng khoán Đức và Pháp đảo chiều giảm nhẹ từ mức cao nhất 2 năm đạt được trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 67,36 điểm (+0,90%), lên 7.555,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,58 điểm (-0,18%), xuống 13.440,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,79 điểm (-0,07%), xuống 5.510,50 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn như Sony, Honda Motor, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều giảm nhẹ. Hai thị trường này giảm do giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế có thể xảy ra, cũng như thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 119,04 điểm (+0,53%), lên 22.539,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,42 điểm (-0,26%), xuống 28.515,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,60 điểm (-0,37%), xuống 3.383,31 điểm.
Giá vàng nhỉ nhích nhẹ trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin quan trọng phía trước. Việc Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc đúng như dự đoán, nên không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán, cũng như thị trường vàng. Tuy nhiên, giới đầu tư đang quan hơn đến việc ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Fed khi bà Janet Yellen sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Giới đầu tư chờ đợi sau cuộc gặp mặt hôm thứ Năm, Tổng thống Donald Trump sẽ đề cử Thống đốc Fed Jerome Powell ngồi vào vị trí này. Giới quan sát cho rằng, ông Powell có tư tưởng về chính sách giống bà Yellen.
Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD/ounce (+0,09%), lên 1.275,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,3 USD/ounce (+0,10%), lên 1.276,8 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm và vẫn ở mức cao nhất 2 năm khi giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất lớn.
Cụ thể, OPEC và Nga giữ thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng mỗi ngày để giảm nguồn cung, giữ giá dầu.
Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,24 USD (+0,44%), lên 54,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,13 USD (+0,21%), lên 60,62 USD/thùng.