Từ Morgan Stanley đến JPMorgan Chase, các ngân hàng đầu tư lớn hiện đang dự báo đồng đô la sẽ đạt đỉnh vào giữa năm tới và sụt giảm trở lại, trong đó Societe Generale dự báo chỉ số đô la Mỹ ICE sẽ giảm 6% vào cuối năm tới.
Đồng đô la đã tăng vọt trong năm nay và đang hướng đến đợt tăng giá lớn nhất kể từ năm 2015 nhờ vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy thị trường giảm dự báo về số lần cắt giảm lãi suất của Fed vào năm tới.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot đã tăng khoảng 6,3% từ đầu năm đến nay, với phần lớn mức tăng đó diễn ra trong thời gian trước và kể từ ngày bầu cử vào đầu tháng 11. Đợt tăng giá này được thúc đẩy bởi kỳ vọng thuế quan của chính quyền Trump sẽ làm tăng lạm phát và làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Fed là hạ lãi suất trong những tháng tới. Điều này đã tạo động lực cho các nhà đầu tư toàn cầu chuyển tiền sang Mỹ.
Trong thời gian gần đây, ông Trump đã tăng cường dùng lời lẽ cứng rắn về thương mại, gần đây nhất là tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa của Mexico và Canada ngay khi nhậm chức, đã khiến đồng peso Mexico và đô la Canada trượt giá. Đầu tháng này, ông Trump đã lên tiếng cảnh báo một nhóm các nền kinh tế mới nổi vì thách thức vị thế của đồng đô la là đồng tiền hàng đầu thế giới.
Tất cả sức mạnh gần đây của đồng đô la đã dẫn đến sự suy yếu của các tiền tệ khác. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 11 sau cuộc bầu cử Mỹ. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 4 tháng, trong khi Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ xuống còn 7,5 vào năm tới - mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Nguy cơ rình rập
Khi xem xét diễn biến của đồng đô la dưới thời tổng thống Trump, lịch sử cũng đưa ra một số chỉ dẫn. Sau một đợt tăng tốc ngay sau cuộc bầu cử của ông Trump cách đây 8 năm, năm 2017 đã chứng kiến mức giảm hàng năm lớn nhất trong lịch sử đối với chỉ số đô la của Bloomberg khi nền kinh tế Mỹ mất đà trong khi tăng trưởng ở châu Âu lại tăng lên.
Lần này, Phố Wall cho rằng mức giảm sẽ không quá lớn, nhưng theo các nhà phân tích của MUFG, đồng đô la có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2025.
Sophia Drossos, chiến lược gia tại Point72 Asset Management cho biết, có quá nhiều tin tức tích cực đã được phản ánh vào đồng đô la đến mức tăng trưởng ở bất kỳ nơi nào bên ngoài Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang cắt giảm lãi suất đều sẽ làm đồng đô la suy yếu so với các đồng tiền khác.
"Có một số nền tảng tốt cho một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ vào năm tới", ông Sophia Drossos nhấn mạnh thêm.
Các chiến lược gia dự đoán rằng, Fed - nguồn hỗ trợ lớn nhất của đồng đô la trong những tháng gần đây, sẽ trở thành một khoản nợ phải trả vào năm 2025.
Theo các chiến lược gia về lãi suất của Morgan Stanley, lợi suất trái phiếu của Mỹ dự kiến sẽ giảm nhanh hơn so với các nước còn lại trên thế giới vào năm tới, điều này sẽ làm giảm chênh lệch lãi suất, vốn là yếu tố có lợi cho đồng đô la.
Các chuyên gia khác nhận thấy rủi ro đối với sức mạnh của đồng đô la từ các chính sách thương mại của ông Trump nếu chúng được ban hành, vì về mặt lý thuyết, thuế quan sẽ đẩy giá bất kỳ hàng hóa nhập khẩu nào được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng tăng cao hơn.
Barry Eichengreen, nhà kinh tế tại Đại học California cho biết, nếu thuế quan khiến thép và nhôm đắt hơn, thì đó sẽ là cú sốc cung tiêu cực đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước sử dụng các đầu vào nhập khẩu đó. Sau đó là mối đe dọa về thâm hụt ngân sách gia tăng và phần bù kỳ hạn trái phiếu của Mỹ tăng lên.
Về triển vọng năm 2025, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết: "Khi Fed nới lỏng đáng kể và đồng đô la mất đi lợi thế tăng trưởng/lợi suất tương đối, thì sự suy yếu của đồng đô la có thể trở nên quá mức".