Lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng tăng mạnh nhờ sự cải thiện tín dụng và tăng trưởng mạnh doanh thu ngoài lãi.

Lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng tăng mạnh nhờ sự cải thiện tín dụng và tăng trưởng mạnh doanh thu ngoài lãi.

Đột phá về doanh thu ngoài lãi, ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
Theo kết quả kinh doanh năm 2020 vừa được hàng loạt ngân hàng công bố, ngoài hưởng lợi nhờ lãi suất huy động giảm, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng còn do đẩy mạnh các khoản thu ngoài lãi.

Ngân hàng thắng lớn

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2020, 2 ngành tăng trưởng tốt nhất là bất động sản và ngân hàng. Với ngân hàng, nếu không mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, con số lợi nhuận còn lớn hơn nữa. Kết quả kinh doanh được nhiều ngân hàng lớn công bố đã cho thấy bức tranh này.

Trong 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, ngoại trừ BIDV công bố lợi nhuận giảm 16%, thì các ngân hàng khác đều giữ được phong độ lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận Vietcombank đạt 23.000 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Không công bố con số cụ thể, song lãnh đạo Agribank cho biết, kết quả kinh doanh năm 2020 của ngân hàng này vượt mục tiêu đề ra đầu năm.

Bất ngờ nhất là VietinBank với tổng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế 16.450 tỷ đồng, trở thành “á quân” lợi nhuận toàn hệ thống với mức tăng trưởng 43,5%. Bên cạnh tín dụng, yếu tố khiến VietinBank tăng sốc về lợi nhuận là thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận cũng tăng trưởng khả quan. Đơn cử, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của MBBank đạt 10.663 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm ngoái, trong đó, lợi nhuận của nhiều công ty con tăng 29-77%.

Trước đó, MSB công bố lợi nhuận năm 2020 tăng 94% so với năm 2019. Lãnh đạo MSB cho biết, lợi nhuận tăng mạnh nhờ tổng thu nhập thuần tăng gần 52%. Đồng thời, tổng thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng tăng đến 42%/năm, riêng thu thuần hoạt động dịch vụ tăng đến 50%, thu từ phí bán bảo hiểm tăng mạnh, trong khi chỉ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) đã giảm 11%.

Trong khi đó, TPBank công bố lợi nhuận tăng 11% so với năm trước. Đại diện TPBank cho biết, lợi nhuận tăng trưởng tốt là nhờ tín dụng tăng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm, tăng cao giúp tổng doanh thu tăng trưởng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng tăng mạnh nhờ sự cải thiện tín dụng và tăng trưởng mạnh doanh thu ngoài lãi. “Việc trích lập dự phòng nợ xấu tăng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận ngân hàng, song nhờ đa dạng hóa nguồn thu, nhất là nguồn thu ngoài lãi, lợi nhuận ngân hàng vẫn tích cực”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nói.

Tình hình sẽ vẫn khả quan

Đầu năm nay, nhiều công ty chứng khoán nhận định, việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN khiến lợi nhuận ngân hàng thiếu thực chất. Song đến thời điểm này, có thể thấy, việc các khoản nợ chuyển thành nợ xấu sau thời gian cơ cấu lại là rất thấp. Nói cách khác, lợi nhuận ngân hàng năm nay ít có yếu tố “ảo” như dự báo trước đó.

Theo nhận định của nhiều ngân hàng, dòng tiền đã cơ bản quay về dòng chảy bình thường, nên tình hình kinh doanh sắp tới tiếp tục khả quan.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nền kinh tế đang dần được cải thiện, tín dụng năm 2021 có thể sẽ tăng tới 14-15%. Tín dụng tăng trở lại sẽ khiến ngân hàng tiếp tục cải thiện lợi nhuận năm 2021.

Dự báo của nhiều công ty chứng khoán gần đây tỏ ra lạc quan về lợi nhuận ngành ngân hàng năm tới. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trong năm 2021. Do đó, ngân hàng sẽ là người đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Tương tự, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research ước tính, tín dụng năm 2021 sẽ tăng 13-14%, khiến lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng tăng 21% so với năm trước. Trong đó, riêng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính sẽ tăng 30%.

Theo các chuyên gia phân tích, năm 2021, tỷ lệ lãi cận biên của các ngân hàng tiếp tục cải thiện nhờ hưởng lợi từ lãi suất huy động giảm. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng.

Cần giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngân hàng cần nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, dù lãi suất cho vay đã giảm, song theo đánh giá của Thủ tướng là chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận, mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tin bài liên quan