Dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác vào ngày 30/4/2025, vượt tiến độ 2 - 3 tháng.
Bài 4: Định lượng rõ mục tiêu cho mũi đột phá hạ tầng
Một trong những bài học quý giá từ quá trình triển khai phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 là các nhiệm vụ mang tính đột phá đã được định lượng cụ thể và thống nhất rất cao trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực.
Rõ việc, rõ người
Năm nay 75 tuổi, nhưng TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) vẫn rất đau đáu với ngành giao thông và nghề cầu đường.
Là một trong số ít kỹ sư giao thông đầu ngành, cả đời gắn bó với cây cầu, con đường, TS. Nguyễn Ngọc Long từng tham gia chỉ đạo tư vấn thiết kế tại các dự án lớn của ngành giao thông - vận tải, như khôi phục Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các đồ án xây dựng 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tiên (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung Lương - Mỹ Thuận).
Ông Long cũng chính là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm “đại phú - đại lộ” trong các bản thuyết trình của mình về quy hoạch hệ thống giao thông khi còn là Tổng giám đốc TEDI.
Trong bản góp ý Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 12/2021, với kinh nghiệm lâu năm của mình, TS. Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh, việc sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau là hết sức cần thiết, như là một trong những tiền đề để đất nước thực sự bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Không có đường cao tốc, thì không thể giúp các địa phương, đất nước làm giàu; không có cảng biển nước sâu, không có cảng hàng không trung chuyển, thì không thể kết nối, mở ra các cơ hội làm ăn, giao thương thuận tiện với thế giới”, TS. Nguyễn Ngọc Long khẳng định.
Ít người biết rằng, trước khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngay từ cuối năm 2010, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2020.
Điểm nhấn quan trọng nhất của bản Đề án là Bộ GTVT kiến nghị đầu tư ngay một số công trình lớn, gồm: hoàn thành cơ bản cao tốc Bắc - Nam phía Đông (hơn 1.800 km); xây dựng 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang; hoàn thành giai đoạn I Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa…
Những đề xuất đầy táo bạo nói trên được hình thành trong bối cảnh ngành GTVT mới xây dựng được 150 km đường cao tốc, tiền cao tốc và vẫn đang tìm nguồn lực để nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 xuyên Việt từ 2 làn xe lên 4 làn xe.
Phần lớn kế hoạch đầy tham vọng này sau đó đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 13-NQ/TW - kim chỉ nam trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Vai trò là một trong những mũi đột phá về hạ tầng của ngành GTVT tiếp tục được đề cập trong các văn kiện Đại hội XII và XIII của Đảng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, lần đầu tiên, nội hàm “đồng bộ, hiện đại” đã được định lượng rất cụ thể trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, cả nước phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài…
Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 được ban hành sau đó cũng đã xác định Bộ GTVT sẽ là lực lượng chủ công trong việc cụ thể hóa các mục tiêu, công trình được đề cập trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.
“Việc định lượng rõ nội hàm không chỉ giúp xác định rõ mục tiêu, mà còn huy động, phân bổ, dồn nguồn lực quý giá cho những ‘cú đấm thép’, có sức lan tỏa cao, phát huy ngay hiệu quả cho nền kinh tế”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cùng với định vị chính xác mục tiêu, thì việc ưu tiên dồn một lượng lớn vốn đầu tư công cho ngành GTVT thay vì “rải mành mành” như trước đây đã mang lại chuyển biến lớn cho các đại dự án hạ tầng giao thông.
“Kinh nghiệm cho thấy, trong xây dựng cơ bản, có 3 yếu tố quyết định tiến độ, chất lượng công trình là vốn, mặt bằng và năng lực nhà thầu, trong đó, vốn là yếu tố quyết định, then chốt. Điều này hoàn toàn đúng với công tác triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong 4 năm qua”, ông Chủng nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 9/2024, Bộ GTVT đã được giao tổng nguồn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 396.435 tỷ đồng (tương đương 70% nhu cầu), trong đó có 295.888 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; 81.269 tỷ đồng nguồn vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và 19.278 tỷ đồng vốn tăng thu ngân sách Trung ương các năm 2021, 2022, 2023.
Đây thực sự là một bước nhảy vọt về nguồn lực, bởi trong giai đoạn 2001 - 2010, vốn đầu tư công được phân bổ cho Bộ GTVT chỉ là 161.800 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2020, lượng vốn phân bổ tuy khá hơn (khoảng 474.000 tỷ đồng), nhưng cũng chỉ tương đương 52% nhu cầu.
Nếu tính cả vốn ngân sách do các địa phương làm chủ quản đầu tư tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 - TP.HCM, các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…, thì vốn đầu tư bố trí cho toàn ngành giao thông để thực hiện những “cú đấm thép” trong giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn vượt 600.000 tỷ đồng.
Đây là cú hích giúp ngành GTVT cơ bản thoát cảnh “ăn đong” vốn cho các dự án trọng điểm, đẩy “cỗ xe” mang tên “hạ tầng giao thông” tăng tốc.
Nguồn lực được cả nước chắt chiu dành cho giao thông, biến “dải đất hình chữ S” thành đại công trường, đưa nhiệm kỳ 2021 - 2025 trở thành nhiệm kỳ “mở đường cao tốc”, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Phần lớn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho giao thông được ưu tiên dồn để “đóng mạch” tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hai địa chỉ nhận vốn lớn nhất là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (tổng mức đầu tư 97.298 tỷ đồng) và Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (tổng mức đầu tư 146.986 tỷ đồng).
Đến giữa nhiệm kỳ, nhờ nguồn ngân sách dư dả, một số tuyến cao tốc động lực khác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên cũng được ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
“Đây là sự lựa chọn có tính hợp lý cao, bởi nếu không ưu tiên dồn nguồn lực để đầu tư dứt điểm tuyến cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn với các cảng biển, cảng hàng không, sẽ dẫn tới nguy cơ dàn trải, không phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Trần Chủng đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ khi xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là phải xác định rõ công trình có tính đột phá, lan tỏa cao, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia.
Quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông cũng đã nhận được sự chia sẻ, đồng thuận cao của Quốc hội - cơ quan đóng vai trò quyết định đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư công trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 cho hạ tầng giao thông chiến lược.
Các đề xuất của Chính phủ liên quan vấn đề này đều đã được Quốc hội tán thành, “bấm nút không ngập ngừng”, đặc biệt là việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc.
Hàng loạt nghị quyết của Quốc hội được ban hành kịp thời trong nhiệm kỳ này, như: Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, hay các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; các tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam bộ…
Trước đó, nếu không được Quốc hội quyết nhanh việc chuyển 5 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công, thì toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654 km khó về đích vào tháng 6/2024.
Tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” khi hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng đã thấm đẫm trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong suốt 4 năm vừa qua.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quan điểm “làm lớn” với tầm nhìn dài hạn, ưu tiên phân bổ nguồn lực đúng và trúng cần được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030, cũng như giai đoạn tiếp theo.
Tập trung nguồn lực đầu tư những dự án có tính chất xoay chuyển tình thế
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
“Đầu nhiệm kỳ, chúng ta băn khoăn về nguồn lực, làm sao để xây dựng được hệ thống đường cao tốc. Chúng ta bắt đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc từ năm 2000 và đến năm 2021, giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, chúng ta mới hoàn thành được khoảng 1.000 km đường cao tốc. Nguồn lực thế nào để trong vòng 3 năm chúng ta làm gấp đôi số chúng ta đã làm 20 năm, băn khoăn lắm, nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, của các đồng chí Tổng Bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực của Trung ương, nguồn lực của địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, không dàn trải, từ 12.000 dự án chỉ còn hơn 4.000 dự án, thì mới làm được. Nguồn lực phải tập trung và xóa việc dàn trải để đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái là như vậy”.
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV).
(Còn tiếp)