Thi công tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Bài 3: Thước đo mới cho công tác cán bộ
Bản lĩnh “dám làm, dám chịu”, “đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết” của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức chắc chắn vẫn là sẽ yếu tố then chốt để triển khai các đại dự án hạ tầng chiến lược trong những năm tới.
Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn
Đến thời điểm này, nhiều cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn ấn tượng rất mạnh về cuộc làm việc tại trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 27/4/2021.
Buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ GTVT diễn ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhậm chức đúng 3 tuần, đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đối với ngành GTVT - lĩnh vực luôn phải “đi trước mở đường”, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phát triển.
Trong những chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh tại cuộc làm việc, có những nguyên tắc sau này đã trở thành “kim chỉ nam” cho Bộ GTVT, nổi bật là nguyên tắc “ba không” trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn: “không nói không”, “không nói khó”, “không nói có mà không làm”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GTVT “suy nghĩ phải chín”, “tư tưởng phải thông”, “quyết tâm phải cao”, “nỗ lực phải lớn”, “hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 để triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông) giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu cao nhất là hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025.
“Đây là cách đặt vấn đề rất quyết liệt, trực diện mà chúng tôi chưa bao giờ được chứng kiến. Để làm được điều này, chắc chắn ngành GTVT phải có sự chuyển mình mạnh mẽ, bởi nếu vẫn giữ tư duy, phương pháp luận, cách tổ chức thực hiện như cũ, thì không thể hoàn thành mục tiêu”, ông Lê Đình Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Ngày 21/5/2021, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại trực tiếp chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ GTVT báo cáo về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cả hai cuộc họp quan trọng đối với sự phát triển của Bộ GTVT trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 chỉ cách nhau vài ngày đã cho thấy nhịp độ khẩn trương, rốt ráo trong công tác chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đối với ngành GTVT.
Thời điểm tháng 4/2021, ngành GTVT đang đối diện với nhiều yếu tố không thuận, đặc biệt là tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Sau khi khởi công (tháng 9/2019), Dự án tiến triển rất chậm, do hội tụ những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng, như khan hiếm vật liệu; Covid-19 khiến các công trường gần như bị phong tỏa trong thời gian dài; thời tiết bất thường; biến động giá vật liệu xây dựng, khan hiếm xăng dầu…
Trong bối cảnh đó, các đợt kiểm tra hiện trường thường xuyên, trong đó có 2 chuyến kiểm tra xuyên Việt, xuyên Tết năm 2022 và năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các kỳ họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với những chỉ đạo sát sao đã không chỉ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mà còn tạo khí thế, quyết tâm mới trong các đơn vị thi công công trình.
“Quyết tâm ‘vượt nắng, thắng mưa’, ‘không thua đại dịch’, ‘ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương’ thi công ‘3 ca 4 kíp’, ‘làm việc xuyên lễ, xuyên Tết’ đã được truyền lửa về các đại công trường, khiến các nhà thầu chúng tôi cũng tạm gác lại những lợi ích riêng, dốc sức đẩy nhanh tiến độ các dự án”, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Phương Thành chia sẻ.
Một dấu ấn không thể không nhắc đến, là hầu hết các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ trong 4 năm qua được triển khai, cụ thể hóa rất nhanh. Từ năm 2023 đến nay, thông báo kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được phát hành chỉ sau 1 ngày họp và “về” đến các công trường sau 1 - 2 ngày.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm
Sau bước khởi đầu chậm chạp, tính đến tháng 4/2024, toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 653 km đã được thông xe - kết quả mà vào năm 2021, nhiều người trong cuộc không dám mơ ước.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, một trong những bước ngoặt đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là khi 2 nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc được Chính phủ ban hành đã “tháo tung” những nút thắt đeo bám dai dẳng công trường giao thông trọng điểm này.
Cơ chế nói trên và một số cơ chế đặc thù, thí điểm khác áp dụng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan mạnh dạn đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời đều xuất phát từ chính thực tiễn công trường và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với Bộ GTVT vào tháng 4/2021.
Toàn ngành giao thông - vận tải sẽ tiếp tục quán triệt nhận thức và hành động quyết liệt theo phương châm: đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh
Đó là phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho tư duy và hành động. Đối với vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc thực tế đã vượt quy định, thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Những cơ chế, chính sách chưa từng có tiền lệ, như cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; giao trực tiếp mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu… đã giải quyết được những vấn đề “nóng” và khó, để đẩy nhanh tiến độ các công trình.
Minh chứng rõ nhất về tiến độ triển khai thần tốc là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
“Trước đây, thời gian chuẩn bị bình quân cho 1 dự án quan trọng quốc gia là 2 - 3 năm. Với tư duy mới, cách làm mới mang tính đột phá, nên dù Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có quy mô rất lớn, với nhiều công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhưng công tác chuẩn bị đầu tư chỉ thực hiện trong vòng 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.
Việc triển khai các dự án cao tốc trọng điểm có thêm động lực quan trọng khi vào ngày 18/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với trọng tâm chính là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 721 km được chia làm 12 dự án thành phần.
Đợt thi đua lớn nhất trong lịch sử 80 năm “đi trước mở đường” của ngành GTVT không chỉ cổ vũ tinh thần, mà còn là mệnh lệnh yêu cầu các chủ thể tăng tốc triển khai thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành một loạt dự án cao tốc huyết mạch vào cuối năm 2025.
Một bài học sâu sắc nữa trong công tác chỉ đạo điều hành các dự án hạ tầng giao thông thời gian qua chính là công tác sử dụng cán bộ và năng lực, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công cho thấy, nơi nào lãnh đạo có năng lực, sát việc, có trách nhiệm, thì tiến độ dự án tốt, giải ngân cao và ngược lại.
Tại Bộ GTVT, 3 năm qua, nhiều vị trí đứng đầu tổ chức, trong đó có các đơn vị được giao quản lý, điều hành các dự án trọng điểm được mạnh dạn thay thế bởi các cán bộ có năng lực, nhiệt huyết, thực sự “máu lửa”, trách nhiệm với công việc. Bản thân một số cán bộ lãnh đạo trong Bộ vì lợi ích chung của ngành và đất nước cũng đã chủ động nhường vị trí, để cấp có thẩm quyền bố trí cán bộ phù hợp hơn với công việc.
Thực hiện phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, trên cơ sở đăng ký của các đơn vị từ đầu năm, lãnh đạo Bộ GTVT giao các mốc tiến độ dự án; khối lượng giải ngân theo từng tháng, từng quý cho lãnh đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án. Các yêu cầu mang tính pháp lệnh này chính là thước đo đánh giá cán bộ.
Trên thực tế, trong 3 năm qua, một số ban quản lý dự án đã bị Bộ GTVT yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Việc bố trí cán bộ đúng, gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị là bài học quý không chỉ giúp Bộ GTVT hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn các năm, trong đó có kỷ lục giải ngân hơn 90.987 tỷ đồng (96,63% kế hoạch) vào năm 2023, mà còn giúp Bộ GTVT tổ chức triển khai các đại dự án trong thời gian tới.
Theo ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT, tình hình quốc tế còn nhiều thay đổi khó dự báo, đặc biệt là bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới, thiên tai diễn biến khó lường... sẽ gây nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành GTVT.
“Để hiện thực hóa nhiệm vụ ‘đột phá phát triển hạ tầng’, toàn ngành GTVT sẽ tiếp tục quán triệt nhận thức và hành động quyết liệt theo phương châm: đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.
(Còn tiếp)