Ngành nào cũng có DN bị... theo dõi
Theo thống kê mới nhất từ Sở GDCK TP. HCM (HOSE), con số cổ phiếu thuộc diện theo dõi đặc biệt (cảnh báo, kiểm soát và tạm ngừng giao dịch) hiện là 53 cổ phiếu. Trong đó, chỉ riêng số DN bị “ghi danh” trong những tháng đầu năm nay (chủ yếu rơi vào tháng 4, tháng có nhiều DN phải nộp BCTC) đã lên tới 30 công ty, tức là cao hơn tổng số cổ phiếu bị theo dõi đặc biệt từ trước đến hết năm 2012.
Tại sàn HNX, mức độ cũng tương tự khi chỉ riêng trong 2 ngày (4 và 5/4/2013), đã có 12 cổ phiếu bị xếp vào diện cảnh báo. Nếu cộng cả cổ phiếu bị kiểm soát, bị tạm ngừng giao dịch, danh sách còn nhiều hơn. Cùng với tiến độ công bố BCTC kiểm toán 2012 của các DN, nhà đầu tư nào cũng hiểu, danh sách này chưa thể dừng lại.
Cổ phiếu SJS bị tạm ngừng giao dịch vì thua lỗ 2 năm liên tiếp
Sự tăng lên đột biến về số cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, tạm dừng giao dịch trên cả 2 sàn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ngạc nhiên hơn cho nhà đầu tư có lẽ là các tên tuổi góp mặt lần này. Những mã cổ phiếu từng được ví ở hàng “đại gia”, một thời lững lẫy với lãi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, với giá cổ phiếu cao ngất ngưởng như SJS, KBC, ITA, KDH, LCG, TSC, PVX… đều bị đưa vào “danh sách đen”. Và hầu hết ngành nghề từ công nghệ, viễn thông, may mặc, thương mại, vận tải, vật liệu xây dựng đến xây lắp, dầu khí… đều có đại diện góp mặt. Thậm chí, PNC, ALT, SRA… là những thương hiệu rất mạnh trong lĩnh vực hoạt động, nay cũng trong danh sách bị theo dõi. Tuy nhiên, bất động sản, khoáng sản, thủy sản, hàng hải, dịch vụ - thương mại mới là những ngành có sự góp mặt đông đảo nhất (xem thêm bảng).
Theo thống kê, gần 90% các trường hợp rơi vào “danh sách đen” đều vì kinh doanh thua lỗ. Thậm chí, như SJS, HAX, NVT, VHG còn thua lỗ 2 năm liên tiếp, nên cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch.
Khắc phục, cách nào?
Có vẻ như khó khăn đã ngấm đến mọi DN, ở mọi lĩnh vực và mọi quy mô. Vì thế mà danh sách các cổ phiếu bị kiểm soát, cảnh báo cứ dài ra. Đặc biệt, trong những ngành bị đóng băng, bị cạnh tranh, gặp rủi ro cao như bất động sản, xây lắp, thủy sản… DN càng tơi tả.
Đáng nói là các DN này chưa thực sự có biện pháp để “thoát lầy”. Tại ĐHCĐ của Licogi 16 (LCG), bức tranh tươi sáng nhất mà cổ đông có thể nhìn thấy là hòa vốn. Hay vấn đề của SJS là mâu thuẫn trong nội bộ, là vay nợ nhiều trong khi hàng tồn kho hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó, dự án Nam An Khánh chiếm hơn một nửa (2.200 tỷ đồng), khu đô thị mới Hòa Hải (1.108 tỷ đồng), khu đô thị mới Văn La - Văn Khê (437 tỷ đồng)…
Thực tế, lịch sử TTCK đã ghi nhận những trường hợp DN “thoát án” thành công. Tuy nhiên, đây thường là DN nhỏ, mức độ kinh doanh đơn giản. Như KTT, VHH chỉ cần lãi vài chục triệu đồng là cổ phiếu trở lại giao dịch bình thường. Với những DN không chỉ lỗ lớn mà còn nợ lớn, đang gian nan trong tìm đường đi như KBC, SJS... thì khắc phục tình trạng thua lỗ trong năm 2013 là bài toán rất khó.
Nhà đầu tư đang chịu những thiệt thòi về hạn chế giao dịch và margin, về giá cổ phiếu suy giảm khi nắm giữ các cổ phiếu trong “danh sách đen”. Nhưng nhìn ở góc độ lạc quan, đây là dịp hiếm hoi để nhà đầu tư quan sát tài năng và bản lĩnh lãnh đạo của các DN. Nếu DN vượt khó thành công, điểm thưởng người lãnh đạo và cổ đông trung thành sẽ rất lớn.