Ông Trần Phương Bình

Ông Trần Phương Bình

DongA Bank: thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận vì nợ xấu

(ĐTCK) Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, mục tiêu lợi nhuận DongA Bank đưa ra năm nay đã có sự tính toán khá kỹ trước xu hướng nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều, nhất là khi Thông tư 02 được áp dụng.

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay thấp hơn năm trước, nhưng tại sao DongA Bank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu cao hơn năm 2012, thưa ông?

Chúng tôi không dám kỳ vọng quá cao về lợi nhuận, vì trong năm nay, khả năng nợ xấu sẽ gia tăng, nếu Thông tư 02/2013 về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng các khoản nợ xấu được áp dụng.

Trong thực tế, ngân hàng nào cũng muốn nợ xấu càng thấp càng tốt, nhưng nếu đưa ra mục tiêu kiểm soát thấp mà cuối năm không thực hiện được, thất hứa nhiều lần với cổ đông cũng là điều không hay, thể hiện sự yếu kém của Ban điều hành. Chính vì vậy, DongA Bank đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3,5% trong năm nay.

 

Mục tiêu kiểm soát nợ xấu 3,5%, Ngân hàng đã tính đến việc áp dụng Thông tư 02?

Nếu Thông tư 02 được áp dụng, chắc chắn tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ cao hơn so với hiện nay, nhưng đó cũng là thực tế. Chúng ta cũng phải xác định một điều rằng, khi thực hiện tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước, đại bộ phận  doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình thị trường, tồn kho tăng và khó khăn về tài chính, do chi phí đội lên cao trong 2 năm qua, khả năng trả nợ vay yếu dần.

Theo tôi được biết, Thống đốc NHNN đang xem xét, nghiên cứu để có thể gia hạn việc thực hiện Thông tư 02. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn đang từng bước thực hiện Thông tư 02, để phản ánh đúng thực chất hoạt động tín dụng của mình.

 

Trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2012, DongA Bank đã xin ý kiến cổ đông về chủ trương sáp nhập thêm một tổ chức tín dụng khác. Vậy, đến thời điểm này, Ngân hàng đã tìm kiếm được đối tác phù hợp hay chưa, thưa ông?

Để thuận lợi trong hoạt động của HĐQT cũng như Ban điều hành, chúng tôi đã xin ĐHCĐ về chủ trương để HĐQT và Ban điều hành có cơ sở để trao đổi, đàm phán với các đơn vị bạn về việc sáp nhập, hợp nhất. Trong năm qua, đã có nhiều đơn vị bạn đến trao đổi cùng DongA Bank, với mục tiêu là tạo ra một ngân hàng lớn, mạnh hơn. DongA Bank cũng đã có nhiều cuộc đàm phán với các tổ chức tín dụng khác. Nhưng trên tinh thần hiện nay, không chỉ có DongA Bank mà tất cả các ngân hàng khác đang trong quá trình đẩy mạnh việc tái cấu trúc hoạt động của mình một cách vững chắc nhất. Các đơn vị bạn và DongA Bank cũng đang có kế hoạch riêng của mình. Việc kết hợp được với nhau hay không còn phụ thuộc vào duyên nợ giữa hai bên.

 

Vì sao năm 2012, DongA Bank chỉ chi trả 10% cổ tức cho cổ đông, thay vì 15% như kế hoạch đưa ra. Mức cổ tức dự kiến chi trả trong năm nay là bao nhiêu?

Không thực hiện được kế hoạch trả cổ tức trong năm qua là điều mà HĐQT và Ban điều hành DongA Bank cảm thấy có lỗi với cổ đông. Tuy nhiên, mức cổ tức này cũng phản ánh thực chất những khó khăn của hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, DongA Bank nói riêng.

Bước sang năm 2013, chúng tôi không dám mạnh dạn đưa ra tỷ lệ cổ tức ở mức cụ thể bao nhiêu, nhưng Ngân hàng xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.000 tỷ đồng. Nếu đạt được mức lợi nhuận này, cùng với vốn điều lệ hiện nay 5.000 tỷ đồng hoặc tăng lên 6.000 tỷ đồng, thì tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả cho cổ đông sẽ là 12%.

Quý I đầu năm nay, DongA Bank đạt hơn 277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đồng thời DongA Bank vẫn trích lập thêm dự phòng rủi ro nợ xấu. Bởi theo quan điểm của DongA Bank, trích dự phòng là để đảm bảo rủi ro trong hoạt động. Mặt khác, khoản dự phòng vẫn còn đó, khi nợ xấu được xử lý thì Ngân hàng được hoàn nhập, nên năm 2013, DongA Bank dự kiến trích lập dự phòng khoảng 400 tỷ đồng.

 

Còn kế hoạch niêm yết cổ phiếu DongA Bank trên TTCK thì sao, thưa ông?

Chúng tôi xác định rằng, việc niêm yết trên TTCK phải đem lại lợi ích cho cổ đông, do đó, DongA Bank phải lựa chọn thời gian thích hợp nhất để niêm yết. Trong bối cảnh TTCK vẫn trong xu thế ảm đạm, việc niêm yết trên sàn cũng sẽ không mang lại ích lợi gì cho cổ đông, nên chúng tôi còn phải xem xét.