Theo tổng giám đốc DongA Bank, phương án của Ngân hàng sắp tới là thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ cổ phần dự kiến bán 49% trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu và cũng cố, sau khi được NHNN và Chính phủ cho phép.
Hiện đã có 2 đến 3 nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tìm hiểu DongA Bank để đi đến quyết định cuối cùng.
Hiện cả hai bên đang quá trình đàm phán. Phía DongA Bank đã ký hợp đồng với công ty tư vấn cho thương vụ trên. Tuy nhiên, theo ông Bình, để đi đến quyết định cuối cùng trong quá trình thương thảo cũng như có được kết quả cần có thêm một đơn vị tư vấn về tài chính và hiện DongA Bank đang quá trình xem xét để chọn.
Còn đối với Tập đoàn Kido (KDC), tại ĐHCĐ DongA Bank ngày 21/7 vừa qua, HĐQT Ngân hàng đã thông qua chủ trương thu hút thêm 1.000 tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư chiến lược Kinh Đô để tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, trên thị trường gần đây xuất hiện thông tin Kinh Đô có ý định rút khỏi thương vụ này và khả năng không còn hợp tác cùng DongA Bank.
Trả lời ĐTCK về vấn đề này, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, Kinh Do - DongA Bank đang quá trình thương thảo và không có chuyện Kinh Đô rút khỏi thương vụ này.
Tuy nhiên, phía DongA Bank cũng mong Kinh Đô nên đi song hành với nhà đầu tư nước ngoài trong đợt tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng tới đây. Như vậy, nếu được sự chấp thuận của Chính phủ, DongA Bank sẽ bán 49% cho cổ đông chiến lược ngoài cùng với đó Kinh Đô sẽ góp vốn 1.000 tỷ đồng trong đợt tăng vốn theo kế hoạch dự kiến của DongA Bank sắp tới, nhằm mục đích xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.
Trước những khó khăn của thị trường, nhất là kể từ khi bong bóng tín dụng bất động sản xảy ra, nợ xấu DongA Bank khó tránh khỏi vòng xoáy này và có thời điểm trên 6%. Vì thế, áp lực tái cơ cấu và thu hồi nợ đối với DongA Bank không nhỏ.
Năm 2014 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng, trong đó có DongA Bank. Với việc thực hiện quy định Thông tư 09/2014/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, do đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2014 của DongA Bank đạt 35 tỷ đồng, không như kỳ vọng.
Trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra ngày 21/7 vừa qua, DongA Bank đã trình xin ý kiến cố đông thông qua vấn đề tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ qua việc kêu gọi thêm nhà đầu tư mới làm cơ sở giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngân hàng trong tương lai. Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo 3 đợt.
Đợt 1, tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Đợt 2, tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng sẽ được triển khai ngay sau khi DongA Bank phát hành thành công đợt tăng vốn điều lệ lên 6000 tỷ đồng.
Đợt 3, tăng vốn điều lệ từ 8.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng sẽ được triển khai ngay sau khi DongA Bank phát hành thành công đợt tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ. Việc tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để phát triển cũng là vấn đề được DongA Bank quan tâm trong năm 2015.
Năm 2015 cũng là năm HĐQT DongA Bank hết nhiệm kỳ, tuy nhiên trong kỳ đại hội lần này vẫn chưa tiến hành bầu cử cho đến khi có sự tham gia của nhà đầu tư mới góp vốn vào và sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cụ thể, trong thời gian đó, HĐQT hiện tại sẽ tiếp tục điều hành hoạt động của ngân hàng.