Chi đoàn Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chi đoàn Báo Đầu tư cùng Đoàn Thanh niên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, Huyện đoàn Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã cùng phối hợp tổ chức chương trình “Đông yêu thương” năm 2024 , không chỉ trao tận tay những món quà vật chất cùng các suất học bổng thiết thực mà còn mang đến sự sẻ chia ấm áp dành cho thầy cô và các em học sinh nơi đây.
Chào các bạn!
Mình tên là Tuấn Kiệt, mình học lớp 4A7 Trường Nghĩa Đô. Mình còn 20 quyển vở mới mua, mình gửi cho các bạn 15 quyển vở, hai chiếc bút chì, một chiếc thước kẻ (đều là đồ mới của mình). Mình xin ba mẹ mình 100.000 đồng từ tiền tiêu vặt của mình, để gửi cho các bạn. Mình cũng muốn gửi thêm nhưng mình không có nhiều tiền. Các bạn cố lên nhé!
Tấm thiệp nhỏ với những dòng thư mộc mạc và chân thành của cậu bé học sinh lớp 4 đã được cô giáo của Trường Tiểu học và THCS Bản Hát đọc lên trong chương trình thiện nguyện "Đông yêu thương 2024", tiếp lửa cho những người bạn cùng trang lứa cố gắng vươn lên trong học tập.
"Đông yêu thương 2024" thông qua hoạt động quyên góp đã huy động được hơn 200 bộ quần áo ấm cùng nhiều sách truyện cũ. Cùng với đó, chương trình đã trao tặng cho thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Bản Hát 3 Tivi 45 inch, 5 máy lọc nước RO Sơn Hà, 200 quyển vở, 200 bút mực, 100 quyển vở tô màu kèm hộp màu, 25 đôi ủng trẻ em.
Bên cạnh các thiết bị, đồ dùng học tập, sinh hoạt thiết thực, chương trình đã trao suất học bổng tới 37 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phần lớn gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về kinh tế, bố mẹ đi làm xa ở với ông bà hay một số học sinh bố mẹ đi làm xa anh em tự nuôi nhau… nhưng vươn lên học tập, đạt xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt trong các năm học.
Trong các suất học bổng được trao tận tay đến các em nhỏ, Quỹ học bổng Vì trẻ em Việt Nam trao tặng 30 suất học bổng trị giá 15 triệu đồng.
Hơn 17 năm qua, quỹ học bổng từ Giải golf từ thiện thường niên "Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids" đã nâng bước và tiếp thêm nguồn lực cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con em các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, và trên mọi miền Tổ quốc. Thông qua các suất học bổng và chương trình hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ học tập của các nhà trường.
Tổng cộng, đã có hơn 22 tỷ đồng được dành ra để trao tận tay hơn 21.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các cơ sở học tập tại 40 tỉnh, thành phố trong gần 20 năm qua.
Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đồng hành cùng chương trình trao tặng 5 máy lọc nước RO |
Mang đến phần quà là các cây máy lọc nước cho Trường Tiểu học và THCS Bản Hát, đại diện Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng chương trình Đông yêu thương. Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Sơn Hà luôn tâm niệm doanh nghiệp cần có trách nhiệm đồng hành và giúp đỡ phát triển cộng đồng xã hội.
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Hiếu Công, Bí thư Chi đoàn Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng, mỗi ngày đến trường, các em sẽ cảm nhận được sự quan tâm và có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.
“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các hoạt động an sinh xã hội. Những món quà này không chỉ mang lại điều kiện học tập tốt hơn mà còn là lời động viên để các em vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống”, anh Nguyễn Hiếu Công chia sẻ.
Anh Nguyễn Hiếu Công, Bí thư Chi đoàn Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bản Hát, nơi những con đường quanh co ôm trọn núi đồi hùng vĩ, từng là vùng tâm lũ chịu ảnh hưởng nặng nề từ một trận lũ quét kinh hoàng hồi tháng 10/2017. Sau 7 năm, xã Hát Lừu và ngôi trường tại Bản Hát đã khoác lên mình một diện mạo mới. Là xã đầu tiên của huyện Trạm Tấu – một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước – đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nơi đây đã phần nào thay đổi nhưng cuộc sống của nhiều gia đình và các em nhỏ còn nhiều khó khăn.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bản Hát, nhiều học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo, sống xa bố mẹ, phải tự chăm sóc bản thân hoặc anh em chăm sóc nhau hay nhờ ông bà nuôi dưỡng khi bố mẹ đi làm ăn xa. Nhà nước có hỗ trợ các học sinh một phần về sách giáo khoa, giấy vở, bút mực và bảo hiểm y tế, nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, việc học tập của các em vẫn là một hành trình đầy nỗ lực.
"Những món quà của đoàn thiện nguyện lần này sẽ tạo động lực lớn cho cả thầy và trò nhà trường. Chúng tôi rất cần các thiết bị hỗ trợ học sinh như tivi thông minh để các em có cơ hội tiếp cận tri thức bên ngoài trong giờ học, giờ ra chơi”, cô Hiền cũng tâm sự.
Trong đôi mắt lấp lánh của các em nhỏ, có những niềm vui khi cầm trên tay tấm giấy khen cho những nỗ lực vượt khó vươn lên, khi được thấy các món đồ mới tinh cùng các thiết bị cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt tại nhà trường.
Chương trình "Đông yêu thương 2024" không chỉ cổ vũ với những đứa trẻ ở mái trường Bản Hát mà còn đọng lại những dư âm ngọt ngào với chính những người lớn, khi học được cách lạc quan, cách mỉm cười thật tươi dù đối diện với những khó khăn của trẻ nhỏ.
Những gì mà chương trình "Đông yêu thương 2024" mang lại có thể không thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các em học sinh vùng cao, nhưng phần nào góp thêm những viên gạch nhỏ xây nên những ước mơ lớn, nâng bước các em đến trường.
Đâu đó giữa núi rừng Hát Lừu, giọng đọc trong trẻo của cô giáo nhắn nhủ “Các bạn cố lên nhé!” từ lá thư nhỏ của cậu bé Tuấn Kiệt như một nhịp cầu nối dài tình yêu thương. Và có lẽ, không gì ấm áp hơn sự đồng hành ấy, giữa mùa đông nơi núi rừng Tây Bắc.