Đồng Yên trở thành bến đỗ an toàn trong thời kỳ khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và châu Âu đang khiến các nhà đầu tư tìm đến đồng yên và trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) như một hầm trú ẩn an toàn. 
Đồng Yên trở thành bến đỗ an toàn trong thời kỳ khủng hoảng

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang khó khăn như hiện nay thì môi trường lãi suất thấp ở Nhật Bản được coi là nơi đầu tư an toàn trước những rủi ro đang nổi cộm ở những nước khác.

Đồng yen đã tăng giá mạnh nhất trong rổ 25 loại tiền tệ chính kể từ cuối tháng 2/2023 đến nay, ghi nhận mức tăng 3,2% tính đến phiên 23/3. Đồng yen đã có thời điểm chạm mức cao nhất trong hơn một tháng qua, ở mức 130 yen đổi 1 USD trong phiên cuối tuần qua.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank - SVB (Mỹ) và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ có thể xảy đến đối với hệ thống ngân hàng trên toàn cầu. Lãi suất tăng cao làm bào mòn giá trị các trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài mà các ngân hàng đang nắm giữ.

Ngoài ra, việc trái chủ của Credit Suisse có thể sẽ mất trắng 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) sau khi ngân hàng này được ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS mua lại càng làm tăng thêm lo lắng và khó khăn cho các nhà đầu tư. AT1 là loại trái phiếu đặc biệt mang lại cho trái chủ khoản lợi nhuận lớn hơn trái phiếu thông thường. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, loại trái phiếu này có thể bị chuyển thành vốn chủ sở hữu (cổ phiếu) nhằm mục đích giảm nợ cho doanh nghiệp hoặc có thể bị xóa sổ hoàn toàn.

Khi những lo ngại gia tăng về sự hỗn loạn tài chính đang lan rộng khắp toàn cầu, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các tài sản an toàn hơn để đầu tư, ít có nguy cơ mất giá hơn, trong đó có đồng yen của Nhật.

Đồng yen của Nhật Bản đã từng trải qua thời kỳ giảm giá mạnh trong năm ngoái khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu đã nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt về chính sách tiền tệ này lại là một yếu tố khiến đồng tiền này đang có dấu hiệu hồi phục.

Cam kết đối với chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ cho lợi suất JGB ổn định hơn so với ở Mỹ hoặc châu Âu. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm có lợi suất tăng từ khoảng 1,2% vào cuối năm 2021 lên mức cao nhất là 4,5% vào cuối năm ngoái. Trái phiếu chính phủ Nhật Bản có kỳ hạn tương đương tăng từ -0,08% lên 0,33%.

Đồng yen mạnh lên trong tháng 3 chủ yếu là do mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị mua ròng JGB trung hạn và dài hạn đã đạt kỷ lục trong một tuần là 4.000 tỷ yen (31 tỷ USD), theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và trận động đất - sóng thần năm 2011, giá trị của đồng yen đã tăng vọt khi thặng dư thương mại lớn của nước này thúc đẩy nhu cầu về tiền tệ trong nền kinh tế thực, cùng với việc doanh nghiệp trong nước sẽ mang doanh thu ở nước ngoài về nước. Đồng yen đạt mức cao nhất sau chiến tranh là 75,32 yen đổi 1 USD vào năm 2011. Vì vậy, nếu so với diễn biến trong quá khứ, mức tăng giá đồng yen hiện nay không rõ rệt như trong các thời kỳ khủng hoảng trước đây.

Cán cân thương mại của Nhật Bản đang liên tục thâm hụt - gây áp lực giảm giá lên đồng yen - trong bối cảnh nước này đang bị phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu sau cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu cũng suy yếu do khả năng cạnh tranh giảm đi.

Chuyên gia Daisuke Karakama tại Ngân hàng Mizuho dự đoán, với tình trạng thâm hụt thương mại như hiện nay thì mức trần của đồng yen sẽ chỉ ở quanh mức 125 yen đổi 1 USD ngay cả khi tình trạng bất ổn của tài chính toàn cầu gia tăng hơn nữa.

Tin bài liên quan