Đồng yên Nhật bất ngờ tăng mạnh sau khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
Đồng đô la Mỹ trượt giá khoảng 2% so với đồng yên Nhật khi thị trường bất ngờ chao đảo trước dữ liệu lạm phát mới của Mỹ.
Người dân đứng bên ngoài quầy đổi tiền để xem tỷ giá đồng yên so với ngoại tệ, dọc con phố ở trung tâm Tokyo vào ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP

Người dân đứng bên ngoài quầy đổi tiền để xem tỷ giá đồng yên so với ngoại tệ, dọc con phố ở trung tâm Tokyo vào ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP

Đồng yên giao dịch ở mức 158,55 JPY đổi 1 USD vào khoảng 3 giờ chiều ngày 11/7 (giờ London) sau khi tiến gần mức 161,52 JPY đổi 1 USD thiết lập trước đó trong cùng phiên. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất của đồng yên kể từ cuối năm 2022, theo ghi nhận của Reuters.

Đồng đô la Mỹ rớt giá là phản ứng của các nhà giao dịch đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ. Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 6 đã giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dầu lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2020.

Một số chuyên gia tiền tệ nhận ra tác động của lạm phát Mỹ đến biến động đồng yên. Ông Kit Juckes, người đứng đầu chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Societe Generale, cho rằng "động lực thúc đẩy đồng yên tăng là do lượng bán tháo lượng lớn (đồng đô la Mỹ - BTv) và bất ngờ về chỉ số CPI". Tuy nhiên, biến động đó xảy ra vào thời điểm các nhà giao dịch đang cảnh giác cao độ về sự can thiệp nhiều hơn của chính quyền Nhật Bản đối với đồng yên, trong bối cảnh họ nỗ lực bảo vệ đồng tiền đang suy yếu của mình.

Ông Marc Ostwald, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư ADM Investor Services (Mỹ), cho biết không có bằng chứng cụ thể nào về sự can thiệp tiền tệ của Nhật Bản, nhưng ông lưu ý rằng có vẻ như đợt bán tháo đồng đô la Mỹ trên diện rộng "do CPI của Mỹ gây ra đã chạm đến một số mức mục tiêu dừng lỗ đối với JPY, với hoài ngờ lớn rằng MoF [Bộ Tài chính] có thể đã tận dụng cơ hội để can thiệp một cách khiêm tốn".

Ông Masato Kanda, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, trả lời tờ Jiji Press rằng ông không có quyền bình luận về bất kỳ sự can thiệp nào có thể xảy ra.

Đồng yên đã phải chống chọi với áp lực kéo dài kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3/2024.

Cuối tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận thực hiện biện pháp can thiệp tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 2022 với khoản chi tiêu dồi dào. Bộ Tài chính cho biết vào thời điểm đó rằng Nhật Bản đã chi 9,7885 nghìn tỷ yên (tương đương 62,25 tỷ USD) cho việc can thiệp tiền tệ từ ngày 26/4 đến ngày 29/5.

Dòng thời gian trên khớp với sự phục hồi mạnh mẽ của đồng yên trong những tuần đó. Cụ thể, vào ngày 29/4, đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm còn 160,03 JPY đổi 1 USD, nhưng sau đó đã bật lên mức 156 JPY/USD; diễn biến này làm dấy lên suy đoán về khả năng chính quyền Nhật Bản đã can thiệp tiền tệ.

Mặc dù ủng hộ việc can thiệp nếu tiền tệ biến động lớn bắt đầu tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu bộ này có can thiệp để hỗ trợ đồng yên hay không.

Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để ổn định tiền tệ là vào tháng 10/2022, khi đồng yên lao dốc xuống còn khoảng 152 JPY đổi 1 USD. Các nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp ba lần trong năm 2022 để ổn định tiền tệ, với mức chi được cho là lên tới 9,2 nghìn tỷ yên.

Tin bài liên quan