Đồng Yên giảm giá, vốn Nhật sẽ chọn Việt Nam

Đồng Yên giảm giá, vốn Nhật sẽ chọn Việt Nam

(ĐTCK) Sự giảm giá của đồng Yên đang kích hoạt luồng vốn từ Nhật Bản tìm đến các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam được quan tâm đặc biệt.

Để mắt nhiều hơn tới cổ phiếu niêm yết

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một công ty của Nhật Bản chuyên tư vấn về M&A và quản lý quỹ có văn phòng tại Hà Nội chia sẻ, giới đầu tư Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm cơ hội giải ngân vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu, cũng như đầu tư chiến lược vào các DN Việt Nam.

“Trong tháng 3 - 4/2013, Công ty liên tục cung cấp thông tin, cũng như thu xếp các cuộc tiếp xúc giữa NĐT Nhật Bản với các đối tác phía Việt Nam, để tìm kiếm cơ hội đổ vốn vào Việt Nam”, vị tổng giám đốc trên nói, đồng thời cho hay, dòng vốn lớn từ Nhật Bản đang chực chờ vào Việt Nam đợt này chủ yếu là do những diễn biến từ nền kinh tế Nhật Bản, chứ không phải do tác động từ phía Việt Nam kiểu như hình thành hiệu ứng thu hút đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO cách đây 5 năm.

Đồng Yên liên tục giảm giá và đã giảm gần 20% từ đầu năm đến nay

Theo đó, diễn biến có tác động mạnh nhất tới kích thích dòng vốn từ Nhật Bản tìm đến Việt Nam bắt nguồn từ chính sách kinh tế mới của tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được giới học thuật gọi là Abenomics, với tham vọng đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thoát khỏi giảm phát, suy thoái triền miên hàng chục năm nay, qua đó tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới. Nằm trong kịch bản tổng thể này, đồng Yên liên tục giảm giá và đã giảm gần 20% từ đầu năm đến nay. Là nền kinh tế hướng mạnh vào hoạt động xuất khẩu, với hàng loạt DN xuất hàng ra toàn thế giới như: Toyota, Honda, Sony…, việc đồng Yên xuống giá tạo ra lợi thế rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua diễn biến trên TTCK Nhật Bản gần đây, khi cổ phiếu của hàng loạt công ty đa quốc gia tăng mạnh, thậm chí có cổ phiếu tăng giá tới 40%. Điều này làm xuất hiện hoạt động chốt lời hàng loạt, dẫn đến “dư thừa” một lượng vốn lớn tại Nhật Bản. Đây là lý do chính đang kích thích lượng vốn này tìm đến các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh ghi nhận mức giảm giá thực tế của đồng Yên tính đến thời điểm này, vẫn còn kỳ vọng khá lớn về sự xuống giá tiếp của đồng Yên do tác động của Abenomics, hỗ trợ cho xu hướng chuyển đồng Yên sang đầu tư vào các tài sản mệnh giá bằng các đồng tiền khác có khả năng tăng giá, trong khi khu vực ASEAN gần đây, một số đồng tiền tương đối ổn định, thậm chí tăng giá.

Ghi nhận ở một số công ty chuyên tư vấn đầu tư cho NĐT Nhật Bản cho thấy, NĐT Nhật Bản đang dành sự quan tâm nhiều đến tìm kiếm cơ hội giải ngân vào các cổ phiếu ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng, y tế, cũng như cơ hội M&A với các DN thuộc các ngành này và các ngành ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Đối với nhóm cổ phiếu CTCK, giới đầu tư Nhật Bản gần như không quan tâm. Lý do được các NĐT cá nhân Nhật Bản đưa ra là các công ty này hầu hết đang thua lỗ, trong khi triển vọng để kinh doanh có lãi không mấy sáng sủa, bởi cạnh tranh giữa các CTCK ngày càng gay gắt, TTCK vẫn còn nhiều khó khăn. Với các NĐT tổ chức Nhật Bản, họ cũng chưa nhìn thấy cơ hội đầu tư chiến lược hấp dẫn vào các CTCK Việt Nam, bởi chưa thấy triển vọng sau khi mua cổ phần thì làm sao để kinh doanh có lãi. Nhiều CTCK có vốn nước ngoài cũng trong tình cảnh thua lỗ kéo dài như các CTCK 100% vốn Việt Nam . Thực tế cho thấy, số CTCK hoạt động có lãi không nhiều.

 

“Khoái khẩu” trái phiếu chính phủ

Diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như thị trường trái phiếu từ đầu năm đến nay đang thu hút dòng vốn ngoại, trong đó NĐT Nhật Bản cũng đổ mạnh vào trái phiếu chính phủ. Kênh đầu tư này đang hấp dẫn giới đầu tư Nhật Bản. Từ thông tin vừa tiếp xúc với một đối tác Nhật Bản chuyên phân phối trái phiếu chính phủ Việt Nam cho NĐT nước này, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ lý giải, có 2 lý do chính đang kích thích dòng vốn từ Nhật Bản chảy vào trái phiếu chính phủ. Đầu tiên, NĐT kỳ vọng năm nay Việt Nam sẽ thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối dồi dào, nên tỷ giá sẽ tương đối ổn định. Thứ đến, với diễn biến lạm pháp ở mức thấp tính tới tháng 4/2013, nhiều dự báo cho thấy, lạm phát năm nay sẽ thấp, là điều kiện thuận lợi để NĐT đầu tư vào trái phiếu.

Trong cái nhìn của NĐT Nhật Bản, nếu tình hình vĩ mô của Việt Nam tốt thêm, thăng hạng định mức tín nhiệm ít nhất lên mức BBB như một số nước trong khu vực ASEAN, thì dòng vốn ngoại nói chung, dòng vốn từ Nhật Bản nói riêng còn chảy mạnh hơn vào trái phiếu chính phủ.