Đồng ý đầu tư công, nhưng vẫn tiếc giá như xây cao tốc theo hình thức PPP

0:00 / 0:00
0:00
Đồng ý áp dụng hình thức đầu tư công cho các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng nhiều đại biểu vẫn phải nhắc đây là việc đặng chẳng đừng.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Quốc hội Hà Nội dành phân nửa thời gian được phát biểu tại Phiên thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 để chứng minh cho sự cần thiết của Dự án.

“Những năm qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện về năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng còn chưa cao, theo xếp hạng của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, nguyên do chính là yếu kém về kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng”, đại biểu Lộc nhấn mạnh.

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ, chỉ số kết nối đường bộ lần lượt đứng thứ 103 - 104/141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là những chỉ số có thứ hạng thấp nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Theo chỉ số đó, Việt Nam đứng ở nhóm 1/3 nền kinh tế có chất lượng giao thông đường bộ kém nhất thế giới. Hệ quả là, chi phí logistics cao, đang chiếm khoảng 20% GDP, cao gấp đôi so với các nước đang phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu tới 14-15%... làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ là mũi đột phá quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu.

Phân tích chi tiết này, ông Lộc đề nghị cần đầu tư dự án, và đồng ý với Chính phủ về việc sử dụng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ Dự án, để hỗ trợ tốc độ phục hồi kinh tế.

Nhưng, ông Lộc cũng chia sẻ tâm tư. “Tôi hụt hẫng và tiếc nuối. Đành rằng, khi người dân và doanh nghiệp không làm thì Nhà nước phải làm. Đó là hợp lẽ, nhưng dự án có ý nghĩa lớn trong nền kinh tế lại không có được sự tham gia của hình thức đối tác công tư”, ông nói.

Mặc dù có nhiều dự án PPP thành công, nhưng ông Lộc đặt vấn đề, sau khi Quốc hội ban hành Luật PPP, hai lần Quốc hội phải cho ý kiến về điều chỉnh hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

“Lỗi không phải do hình thức PPP, mà là do trong cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, chưa tìm được điểm hòa trong chính sách, nên chưa thành công trong thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các dự án quan trọng này”, ông nói.

Để tiếp sức cho khu vực tư nhân, ông Lộc đề nghị Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để cho nhà đầu tư tư nhân vay đầu tư hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải tự đầu tư.

"Việc khai thác, vận hành các tuyến đường thông qua chuyển giao quyền thu phí là một cách làm. Nhưng hình thức này có đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân không phụ thuộc vào chất lượng xây dựng dự án”, ông Lộc nói.

Trước đó, trong thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngay trước khi kỳ họp bất thường lần thứ nhất về nội dung này, ông Lộc cũng đã yêu cầu giám sát chất lượng thi công.

“Nếu không thuyết phục được các nhà đầu tư về chất lượng công trình, tôi lo họ không tham gia đấu thầu vận hành”, ông Lộc giải thích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Quốc hội Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Quốc hội Hà Nội.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phần tiền dành cho dự án này có thể chuyển cho Ngân hàng Đầu tư Phát triển để cho nhà đầu tư tư nhân vay, thực hiện theo phương thức PPP.

“Để các nhà đầu tư tư nhân đầu tư, rồi vận hành sẽ hiệu quả hơn cách Nhà nước đầu tư rồi chuyển quyền thu phí”, ông Cường nói.

Ông cũng đề nghị đánh giá lại suất đầu tư của Dự án, đang là 201 tỷ đồng/km, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, vì đang cao hơn so với nhiều dự án tương tự khác. Hơn thế, dự án đã được thay đổi hình thức từ đầu tư từ PPP sang đầu tư công, được giảm trừ chi phí lãi vay, nhưng giá trị tổng mức đầu tư vẫn cao.

“Nên cân nhắc lại, nhất là khi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án này được đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép chỉ định đầu, nên cần thiết kế lại suất đầu tư, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch để đảm bảo công tác chỉ định thầu hiệu quả”, ông Cường đề nghị.

Trong báo cáo giải trình của Chính phủ gửi Quốc hội, phần nội dung này đã được Chính phủ tiếp thu. Theo đó, Chính phủ cho biết trong bước tiếp theo Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng, trên cơ sở đó sẽ xây dựng thiết kế cơ sở, tính toán khối lượng, căn cứ đơn giá, định mức, các chính sách của nhà nước sẽ xây dựng tổng mức đầu tư. Mục tiêu là bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.

Trong bước thiết kế kỹ thuật, sẽ xây dựng chi tiết, chuẩn xác về các giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, tính toán khối lượng, đơn giá chi tiết để lập dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

Đặc biệt, để bảo đảm quản lý chặt chẽ về nguồn vốn, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư…, Chính phủ rất mong muốn nhận được sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, hỗ trợ kiểm soát trong các bước tiếp theo (bước nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật) nhằm chuẩn xác tổng mức đầu tư làm cơ sở để bố trí vốn sát với nhu cầu và chuẩn xác dự toán xây dựng công trình làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tránh tính trạng đội vốn, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Cũng trong phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chiều 10/1/2022, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tiến độ thực hiện dự án. Với cách tính hiện nay, khởi công năm 2023, hoàn thành cơ bản trong năm 2022, có thể không đảm bảo tiến độ.

"Cần phải làm rõ vì có thể các khoản đầu tư cho dự án sử dụng từ nguồn tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần được giải ngân trong 2 năm 2022, 2023, nếu không đảm bảo yêu cầu này, sẽ không đạt được hiệu của của gói kích thích, phục hồi kinh tế", đại biểu Cường phân tích.

Tin bài liên quan