Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là một trong những ưu tiên.
“Việt Nam có thể là quốc gia đi đầu khu vực trong xu thế này, đi đầu bao giờ cũng gian khổ nhưng cũng được hưởng những lợi ích to lớn đầu tiên, cho kinh tế, môi trường, cho người dân”, ông Thiên nói và cho biết thêm, việc thay đổi một mô thức phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó, nguồn lực chuyển đổi là tốn kém nhất và Việt Nam có thể phải cần từ 200 - 300 tỷ USD để thực hiện kế hoạch này.
Ông Thiên cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam phải tính đến các giải pháp huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh, từ đầu tư công, PPP, hay các công cụ thị trường, trái phiếu, tín dụng xanh. Các kênh dẫn vốn cũng đang ngày càng đa dạng và sẽ đáp ứng tốt hơn trong cơ cấu kinh tế xanh mà Việt Nam đang theo đuổi.
Tín hiệu đáng mừng cho “giấc mơ xanh” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dường như đang sáng rõ hơn. Các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước cũng đang nhiệt tình tham gia cấp vốn, thu xếp vốn cho các dự án xanh.
Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng lớn, HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng này đang đặt mục tiêu thu xếp 12 tỷ USD cho các dự án phát triển xanh của Việt Nam. Hiện HSBC đã thu xếp được khoảng 2 tỷ cho các dự án.
“Chúng tôi cũng đã đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có phần chuyển đổi công nghệ, xây dựng khung chính sách. Trường hợp của Vingroup là hỗ trợ Vingroup hoàn thiện khung tài trợ xanh, phát hành trái phiếu chuyển đổi xanh đầu tiên trên thế giới. Còn với REE, chúng tôi cũng hỗ trợ cho dự án điện mặt trời áp mái (gói 660 tỷ đồng)”, bà Nga nói.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho hay, ngân hàng này đã tiếp cận sớm các nguồn tín dụng xanh, với nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới và nhận được cam kết hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức tài trợ tín dụng xanh trong thời gian tới.
Theo ông Nam, HDBank đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh từ các định chế tài chính phát triển (DFIs). Cụ thể, Proparco cấp tín dụng xanh cho HDBank 100 triệu USD, kỳ vọng đến năm 2025 đạt 200 triệu USD. IFC đã giải ngân khoản cho vay tín dụng xanh 70 triệu USD cho HDBank và kỳ vọng tổng quy mô cấp tín dụng đến năm 2025 là trên 200 triệu USD. Với ADB, quy mô cấp tín dụng cho HDBank là 150 triệu USD cho các giao dịch tài trợ thương mại thông qua ESMS, mục tiêu mở rộng khoản tài trợ xanh là trên 100 triệu USD. Ngoài ra, HDBank đang trao đổi tài trợ tín dụng/trái phiếu xanh với các định chế tài chính như DFC (Hoa Kỳ), BII (Vương quốc Anh), AIIB…
Tại SHB, dư nợ tín dụng xanh tại Ngân hàng chiếm gần 10% tổng dư nợ của Ngân hàng và có xu hướng ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến nay, dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.
Nhìn nhận về cơ hội tiếp cận dòng vốn tín dụng xanh từ quốc tế, ông Thiên cho rằng, với các cam kết mạnh mẽ đưa ra tại COP26, Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận, nhận được dòng vốn khủng từ cộng đồng quốc tế.
“Cam kết của chúng ta thậm chí còn gây sốc với cả những nước phát triển. Nhiều bên tỏ ý nghi ngờ, nhưng nhiều bên cũng đồng tình ủng hộ và cổ vũ Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận và có được sự hỗ trợ lớn từ cộng động quốc tế, để tiếp tục theo đuổi các cam kết phát triển bền vững”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tín dụng xanh, Việt Nam sẽ cần tập trung giảm chi phí thực thi các vấn đề phát triển bền vững; thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn vào doanh nghiệp, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động. Làm được những điều này, tín dụng xanh tại Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh, tạo nên hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.