Dòng vốn xanh, bước đầu tạo nên một công trình xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yếu tố “xanh” sẽ tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp so với các sản phẩm thông thường. Nhưng ở bước đầu để tạo ra một công trình xanh, doanh nghiệp sẽ cần có một dòng vốn xanh. 
Dòng vốn xanh, bước đầu tạo nên một công trình xanh

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024, ông Michael Piro, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital chỉ ra rằng, một trong những xu hướng hiện nay là đang ngày càng có nhiều dòng vốn xanh tham gia và làm thay đổi, tác động đến thị trường đầu tư Việt Nam.

Đa số các công ty bất động sản ở châu Á Thái Bình Dương cũng như các quỹ đầu tư hướng đến Net zero vào năm 2050, nên rất nhiều nguồn vốn lớn sẽ được đưa vào và ưu tiên phát triển các dự án xanh. Điều này không chỉ để Việt Nam cải thiện môi trường, thu hút khách hàng mà còn thu hút được các khoản đầu tư xanh.

"Tôi nhận thấy đã có các quỹ hàng triệu, hàng tỷ USD chờ đổ vào các dự án bất động sản xanh. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể nổi bật trong “đám đông” ngoài kia và thu hút các dòng vốn xanh này”, ông Piro nói.

Ông Michael Piro, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital (Ảnh: Lê Toàn)

Ông Michael Piro, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital (Ảnh: Lê Toàn)

Nói thêm về thị trường M&A xanh toàn cầu, theo ông Piro, hai thập kỷ qua, M&A bất động sản xanh có sự tăng vọt, nhưng Indochina Capital tin rằng Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn ban đầu của xu hướng này, và thị trường sẽ còn thấy sự tăng trưởng bùng nổ hơn nữa thời gian tới, nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp xanh.

Ông Piro đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn với bất động sản xanh, bất động sản xanh có bán được giá cao hơn?”.

Thực tế, qua các nghiên cứu cho thấy, bất động sản xanh có giá bán, cho thuê cao hơn 20% trở lên so với sản phẩm thông thường không có yếu tố xanh. Do đó, yếu tố “xanh” tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các nhà đầu tư, những “người chơi” trên toàn cầu đang hướng về Việt Nam với các khoản vay lớn. Ví dụ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) công bố cam kết cho vay ưu đãi khoảng 5 tỷ USD để hợp tác với Việt Nam; hay CEO Apple cam kết ủng hộ các Mục tiêu Phát triển Xanh của Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng; HSBC Việt Nam và Gemadept (một công ty cảng và logistics Việt Nam) ký thoả thuận cho vay liên kết bền vững…

Vậy nên, chuyên gia cho rằng, các thành viên thị trường cần sớm thực hiện chuyển đổi xanh vì đơn giản là điều này tốt cho doanh nghiệp.

Đại diện cho tổ chức tài chính, bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh, công trình thích ứng rủi ro khí hậu Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, quan sát bức tranh chung từ thị trường có thể thấy rằng nhận thức về “xanh” của các doanh nghiệp Việt Nam đã làm được rất đầy đủ.

Về phía các định chế tài chính, hiện Việt Nam đang dự thảo danh mục phân loại xanh. Có nghĩa thời gian tới, không chỉ những tổ chức tài chính như IFC quy định về những tiêu chí xanh (100% dự án IFC cho vay là dự án xanh), mà trong tương lai không xa thì sẽ có KPI cho các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng thương mại và các ngân hàng nhà nước có định mức cho vay xanh.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh, công trình thích ứng rủi ro khí hậu Việt Nam, IFC (Ảnh: Lê Toàn)

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh, công trình thích ứng rủi ro khí hậu Việt Nam, IFC (Ảnh: Lê Toàn)

Về việc tiếp cận nguồn vốn xanh, IFC có nhiều công cụ làm ra chủ yếu giúp doanh nghiệp tiếp cận và phân bổ nguồn vốn xanh, trong đó công cụ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) đã có 89 quốc gia trên thế giới sử dụng.

Theo bà Diệp, các giải pháp tài chính của IFC hướng đến và cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu về tiếp cận dòng vốn xanh hay làm công trình xanh. Tại các quốc gia đang phát triển, dòng vốn vay của IFC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở bước đầu để có thể có được các công trình xanh, sau đó sẽ hướng đến các bước tiến hoá cao hơn trong chuyển đổi xanh.

Tin bài liên quan