Dòng vốn vào quỹ đầu tư thị trường mới nổi vượt trội hơn các thị trường phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên sau ba năm, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi đang vượt xa các thị trường phát triển trong việc thu hút dòng vốn, nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng tương đối thuận lợi hơn và kỳ vọng cắt giảm lãi suất nhanh hơn ở các thị trường mới nổi.
Dòng vốn vào quỹ đầu tư thị trường mới nổi vượt trội hơn các thị trường phát triển

Dữ liệu của Refinitiv Lipper cho thấy, dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư của thị trường mới nổi đạt 30,55 tỷ USD trong nửa đầu năm, so với 88,65 tỷ USD bị rút ra từ các quỹ đầu tư thị trường phát triển.

Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bơm ròng 22 tỷ USD vào các quỹ đầu tư thị trường mới nổi trong tháng 6, đánh dấu dòng tiền vào cao nhất kể từ tháng 1.

Các nhà phân tích cho rằng trường hợp của các thị trường mới nổi là họ đã đi trước các thị trường phát triển trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và hiện đang bắt đầu gặt hái thành quả từ lạm phát giảm, chi phí đi vay thấp hơn và tăng trưởng được cải thiện.

Dòng vốn vào các thị trường phát triển và thị trường mới nổi trong nửa đầu năm

Dòng vốn vào các thị trường phát triển và thị trường mới nổi trong nửa đầu năm

Lạm phát của Brazil đang ở mức thấp nhất trong gần ba năm nhờ vào việc tăng lãi suất mạnh mẽ 1.175 điểm cơ bản. Các nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương Brazil sẽ sớm cắt giảm lãi suất khi chính phủ kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn.

Vào tháng 5, ngân hàng trung ương Hungary đã hạ lãi suất, khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Âu.

Mặt khác, cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đánh dấu khả năng tăng lãi suất hơn nữa để kiểm soát lạm phát.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy lợi nhuận tại các công ty ở các thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng 6,8% trong năm nay, so với mức giảm 3,4% của các công ty Mỹ và mức tăng trưởng ít ỏi của các nước phát triển ở Châu Âu là 0,02%.

Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã ghi nhận mức tăng tương đối khiêm tốn 6,7% trong năm nay so với mức tăng 16% của Chỉ số MSCI World. Trong khi đó, P/E của chỉ số MSCI thị trường mới nổi đang giao dịch ở mức 12,08, thấp hơn đáng kể so với P/E của chỉ số MSCI World là 17,03 – cho thấy định giá của các thị trường mới nổi đang ở mức hấp dẫn hơn.

Định giá P/E của chỉ số MSCI Emerging Markets Index hấp dẫn hơn chỉ số MSCI World

Định giá P/E của chỉ số MSCI Emerging Markets Index hấp dẫn hơn chỉ số MSCI World

Malcolm Dorson, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Global X cho biết: “Với chênh lệch định giá so với các thị trường phát triển ở mức cao nhất trong thập kỷ và các nhà phân bổ toàn cầu vẫn đang nắm giữ tỷ trọng thấp các cổ phiếu ở thị trường mới nổi, những thị trường này đang được hưởng lợi”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến cổ phiếu của các thị trường mới nổi.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp chính sách để thúc đẩy nhu cầu và tiếp thêm sinh lực cho thị trường, nhưng một số động thái cụ thể đã được công bố và các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn trong việc chờ đợi tác động lên nền kinh tế thực.

Derek Izuel, Giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư thị trường mới nổi Shelton cho biết: "Câu hỏi lớn ở các thị trường mới nổi là Trung Quốc. Các yếu tố cơ bản tổng thể của Trung Quốc có vẻ kém hơn về nhân khẩu học cũng như lĩnh vực bất động sản sử dụng đòn bẩy quá cao sẽ cản trở tăng trưởng”.

“Mặc dù triển vọng cho xu hướng chung là yếu, nhưng có thể có những đợt phục hồi riêng lẻ”, ông cho biết thêm.

Tin bài liên quan