Vị thế số 1 ngành
Khi cổ phiếu PLX được đưa vào niêm yết, thị trường bắt đầu hiểu rõ hơn về hoạt động của Tập đoàn này.
Sở hữu một hệ thống phân phối trực tiếp và gián tiếp đáng mơ ước với hơn 2.400 cửa hàng chính thức và hơn 2.800 đại lý nhượng quyền chuyên nghiệp, tốc độ tăng trưởng cửa hàng trên 150 cửa hàng một năm, rất khó để xuất hiện một đối thủ đủ tầm theo kịp tốc độ tăng trưởng của Petrolimex.
Cùng với đó, hệ thống kho bãi lưu trữ số 1 Việt Nam hiện tại với hệ thống bồn chứa hơn 2,2 triệu m3 và 600 km đường ống dẫn trực tiếp duy nhất tại Việt Nam cùng đội ngũ 2.500 xe bồn chuyên dụng cũng tạo nên một vị thế hoàn toàn khác của Tập đoàn.
Với quy mô này, Petrolimex vượt trội tuyệt đối so với đối thủ đứng thứ 2 là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Tỷ lệ 5.200/14.000 tổng cửa hàng phân phối xăng dầu hiện nay không chỉ là một con số tuyệt đối rất lớn thể hiện vị thế vượt trội về thị phần, mà còn thể hiện khả năng định vị thương hiệu vượt trội của Petrolimex so với các đối thủ còn lại, và khả năng, công nghệ quản lý hiện đại.
Điều này không những giúp tiết giảm chi phí mà còn tăng sản lượng bán hàng trên từng cửa hàng của Petrolimex.
Con số thống kê cho thấy sản lượng của Petrolimex gấp 3 lần so với đối thủ là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong cơ hội tăng lợi nhuận cũng như khả năng duy trì vị thế cạnh tranh, tăng trưởng chuỗi phân phối của Petrolimex.
Nếu ở vị thế ngành và năng lực tài chính, Petrolimex được coi như Vinamilk (VNM) của ngành xăng dầu, thì ở quy mô hệ thống phân phối, trên thị trường hiện tại chỉ có Thế giới di động (MWG) có thể so sánh.
Và cả MWG, VNM và PLX đều có một điểm chung là áp dụng khoa học công nghệ để quản trị và gia tăng hiệu quả hoạt động, khi áp dụng áp dụng hệ thống quản trị nguồn nhân lực tiên tiến (ERP).
Ngoài ra, Petrolimex còn áp dụng hệ thống quản trị bán hàng thời gian thực (EGAS) tới từng cửa hàng trực thuộc là bước áp dụng công nghệ giúp Tập đoàn vượt trội trong công tác quản lý bán hàng, vượt xa các đối thủ.
Vị thế số 1 cách biệt, áp dụng công nghệ hiện đại, Petrolimex đã ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 6.300 tỷ đồng với 6.122 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả kinh doanh quý I/2017 với hơn 1.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế là một minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng hoạt động hiệu quả của Petrolimex khi các lợi thế ưu đãi về thuế không còn.
Đà bứt phá về vốn hóa
Trước khi niêm yết, cổ phiếu PLX đã có một đợt tăng mạnh mẽ về giá. Nhưng triển vọng nâng hạng thị trường, cùng việc tăng giải ngân mạnh mẽ từ khối ngoại đang tạo ra một cơ hội tăng trưởng thậm chí còn mạnh hơn nữa cho Petrolimex về vốn hóa, do sở hữu vị thế đặc biệt ở một ngành rất quan trọng của nền kinh tế.
Gần 8.000 tỷ đồng giá trị mua ròng được khối ngoại thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2017 trên hai sàn chính thức, chưa kể dòng vốn FDI và FII đạt mức kỷ lục từ trước tới nay cho thấy kì vọng rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Trong số này, hơn 70% lượng giải ngân thuộc về nhóm cổ phiếu TOP 10 vốn hóa lớn nhất trên thị trường cho thấy cơ hội tăng giá vượt trội các cổ phiếu này nhờ dòng vốn ngoại.
Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu trong danh sách VN30 của HSX tăng trưởng hơn 32% lợi nhuận sau thuế trong quý I năm 2017 so với cùng kỳ cho thấy, kỳ vọng này của khối ngoại là có cơ sở.
Mới niêm yết nên chưa lọt vào các chỉ số, nhưng lượng mua ròng khoảng 800 tỷ đồng trong chưa tới 1 tháng sau niêm yết cho thấy, PLX sẽ còn có có hội tăng giá khi dòng vốn ngoại tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, nếu nhìn vào định giá các cổ phiếu đầu ngành ở các lĩnh vực khác VNM, MWG với P/E đều ở mức khá cao, thì định giá PLX hiện nay vẫn khá hấp dẫn.