Dòng vốn giá rẻ đã thẩm thấu tới doanh nghiệp nhỏ

Dòng vốn giá rẻ đã thẩm thấu tới doanh nghiệp nhỏ

(ĐTCK) Nhờ chủ trương quyết liệt từ Chính phủ về việc đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý và nỗ lực từ phía các ngân hàng, dòng vốn tín dụng đến với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ngày càng rẻ hơn, tạo lực đẩy cho tăng trưởng sản xuất – kinh doanh.

Lãi suất ngắn hạn xuống tới 5,8%/năm

Ông Phan Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Việt Ân cho biết, trước đây, những công ty có quy mô nhỏ như công ty ông không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại hàng đầu như Vietcombank. Nhưng giờ, tình hình đã khác, công ty ông đã vay được vốn tại ngân hàng này với lãi suất kỳ hạn ngắn là 8,2%/năm.

“Các ngân hàng không chỉ ở khối thương mại cổ phần, mà ngay cả khối thương mại có vốn của nhà nước cũng đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay vốn. Tất nhiên, thủ tục cho vay vẫn rất chặt chẽ”, ông Tịnh nói.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông qua việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng đã góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và kết quả 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây.

Trong đó, tín dụng nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với 31/12/2016.

Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp.

Số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và hiện đang triển khai trên 70 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể kể đến một số chương trình nổi bật như VietinBank dành 120.000 tỷ đồng (với lãi suất ngắn hạn dưới 7%/năm và lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm) cho Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2017 và 10.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (các khoản vay trung dài hạn với lãi suất 8,8%/năm).

Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp - nông thôn của ngân hàng…

Số liệu được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đưa ra, trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân 221.000 tỷ đồng vốn cho khách hàng doanh nghiệp qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chắc chắn sẽ giải ngân hết số vốn cam kết 280.000 tỷ đồng trong năm 2017. Mức lãi suất cho vay của chương trình từ 5,8 - 6,2%/năm với kỳ hạn ngắn và quanh mức 8 - 9%/năm với kỳ hạn dài.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết: “Ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình như “Tiếp sức thành công”, “Tài trợ nhanh theo khu vực”… với mức lãi suất 6,5%/năm để các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay và bổ sung tài chính cho các kế hoạch phát triển kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết”.

Lợi nhuận ngân hàng khởi sắc

Với nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay khởi sắc mạnh. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của Ngân hàng đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ.

Trong khi đó, thông tin từ VIB cho biết, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 22% cho năm 2017, đến hết 30/9/2017, tín dụng của VIB đã đạt 77.794 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm nay. Huy động khách hàng cũng tăng tương ứng 22%. Lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm đạt 623 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.

Báo cáo tài chính quý III/2017 vừa được LienVietPostBank công bố cho thấy, trong quý III, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 523 tỷ đồng, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.433 tỷ đồng. Được biết, năm 2017, LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2016. Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành tới 95,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tin bài liên quan